HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp
Có thể nói câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trên cánh đồng thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX.
Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (1917-1979) được coi là "cha đẻ của khoán hộ" (hay Khoán mười). Với quan điểm “xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”, ông Kim Ngọc đã đưa ra quyết định liều lĩnh là giao đất về tay cho nông dân.
Để nhân dân có được cuộc sống tốt hơn
Nhớ lại thời điểm những năm 1966-1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu làm ăn hợp tác xã, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc lại có quyết định táo bạo, có thể nói là liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân.
Đây được xem là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó. Ông Kim Ngọc lại chủ trương giao ruộng khoán cho từng hộ nông dân để xây dựng tập thể hợp tác xã vững mạnh. Theo tôi, chủ trương đó thể hiện trên các khía cạnh lớn đó là:
Thứ nhất, tư duy của Bí thư Kim Ngọc không bị rập khuôn vào những công thức có sẵn, ông luôn luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để sản xuất phát triển thực sự.
Năm 1966-1967, khi quyết định khoán ruộng, Bí thư Kim Ngọc cũng có cả một quá trình hợp tác hóa nông nghiệp từ những năm 1960, trải qua 5 - 6 năm hợp tác hóa nhưng kinh tế nông nghiệp ở hợp tác xã chững lại, thậm chí có lúc sa sút, vì vậy ông tìm cách để kinh tế nông nghiệp phát triển lên.
Điều đó phản ánh tư duy của người lãnh đạo rất năng động, sáng tạo, chú ý để thúc đẩy sản xuất và mang lại hiệu quả. Lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo tính đúng đắn của những chủ trương chính sách chứ không phải lấy khuôn mẫu, quan điểm tập thể hóa, hợp tác hóa.
Thứ hai, quyết định khoán xuất phát từ quan điểm vì dân, làm thế nào để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
Quả thật lúc đó, người nông dân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp rất khó khăn trong đời sống, bị bó hẹp trong cơ chế, trong cách thức làm ăn “rong công, phóng điểm”, rồi quản lý một cách hành chính trong hợp tác xã nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất thấp, sản xuất nông nghiệp ngày càng sa sút.
Từ thực tiễn ấy, Bí thư Kim Ngọc suy nghĩ phải làm thế nào để cho người nông dân đỡ khổ, làm thế nào để thúc đẩy sản xuất phát triển, để có đóng góp lớn cho đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội miền Bắc và chi viện cho miền Nam với tình thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, khi thời đó bắt đầu đánh Mỹ rất ác liệt (từ năm 1965).
Thứ ba, một điểm cần nhấn mạnh nữa ở Bí thư Kim Ngọc là tinh thần trách nhiệm. Bởi vì nếu một người cán bộ lãnh đạo không có tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, trước nhân dân và trước công việc mà mình phụ trách thì sẽ chỉ cho nó qua đi thôi chứ cũng chẳng cần lao tâm khổ tứ làm gì. Ở vị trí công việc như vậy thì cứ thế mà làm theo những chính sách có sẵn, chỉ đạo có sẵn thôi.
Nhưng ông luôn trăn trở, nghĩ đến trách nhiệm của người lãnh đạo, ở một địa phương, ở một đơn vị như vậy mà để sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân khó khăn thì ông không đành lòng.
Nhấn mạnh như vậy để thấy rằng, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo là cực kỳ quan trọng, trách nhiệm trước địa phương mình, trước nhân dân và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Thước đo mới cho hiệu quả sản xuất
Xu thế chung lúc đó thực hiện đúng đường lối của Đảng là phải tập thể hóa, chứ không thể chấp nhận chuyện chia ruộng cho các hộ. Thời điểm đó người ta coi đó là tư hữu hóa, là đi con đường khác, không phải Chủ nghĩa Xã hội, đi theo con đường Tư bản.
Đó là xung quanh vấn đề sở hữu. Tư liệu sản xuất lúc đó phải thuộc về tập thể, về Nhà nước nên việc chia ruộng cho các hộ dân là cả một vấn đề rất lớn.
Về quan hệ sản xuất có những vấn đề, thứ nhất là sở hữu tư liệu sản xuất, thứ hai là quản lý bằng cách nào?
"Khoán hộ" của Bí thư Kim Ngọc thay đổi không chỉ là ở chỗ giao ruộng vì giao ruộng nhưng danh nghĩa vẫn là của hợp tác xã, của Nhà nước, mà thay đổi quan trọng là cách làm, giao ruộng cho nông dân thì người dân tự chủ trên mảnh đất ấy, người ta tập trung đầu tư, làm ăn tử tế, có hiệu quả thì tự nó mang lại năng suất, sản lượng cao.
Rồi từ đó, dẫn đến chế độ phân phối cũng khác, người làm được nhiều thì được hưởng nhiều, do vậy sẽ kích thích quá trình sản xuất, kích thích người ta làm.
Thực tế phải một thời gian dài sau này người ta mới thừa nhận cách làm của ông Kim Ngọc là đúng chứ thời điểm đó chưa thừa nhận, thậm chí còn phê phán.
Thực tế, trên phạm vi vĩ mô thì sau này khoán nông nghiệp năm 1981 hay 1988 cũng trên sự kế thừa kinh nghiệm của ông Kim Ngọc và đó cũng là một trong những cơ sở để sau này ta có đường lối đổi mới đúng đắn hơn, hiệu quả hơn.
Ngày 13/01/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”). Khoán 10 đã khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Như vậy, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TU. |
ĐỖ HUYỀN Ghi
Bài 2: Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất
Có thể bạn quan tâm
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045
04:50, 11/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
21:14, 09/02/2021
Vai trò của Đảng đối với sự ĐỔI MỚI
10:04, 04/02/2021
Đại hội XIII: Cơ cấu nhân sự hợp lý, có kế thừa, có đổi mới
13:00, 30/01/2021
Tạo cơ hội cho thanh niên tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
04:04, 31/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều lệ tổ chức, hoạt động Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
19:12, 01/02/2021