HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?
Trong bối cảnh mới với nhiều biến đổi, câu chuyện tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả là vấn đề đáng được quan tâm.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở bài trước, trong bối cảnh mới, tích tụ ruộng đất không đơn giản chỉ là nới hạn điền, cũng không đơn giản thì là giao đất cho doanh nghiệp, giao đất cho những người làm việc có hiệu quả để hình thành nên một cánh đồng mẫu lớn mà hơn thế quá trình tích tụ ruộng đất hôm nay đã có quá nhiều vấn đề cần phải quan tâm và xử lý.
Trên thực tế, chủ trương về tích tụ đất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW).
Nhiều vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đề cập và định hướng phát triển một cách toàn diện, bền vững trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy cao nội lực; đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.
Như vậy, lần đầu tiên, vấn đề tích tụ đất nông nghiệp được Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra.
Đồng thời, những vấn đề về vốn, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hạn mức giao đất nông nghiệp… cũng được đưa ra với mục tiêu là nhằm phát triển bền vững, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chìa khóa để quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra sâu, rộng.
Xa hơn nữa, nhìn lại lịch sử, trong quá khứ, chúng ta đã từng thực hiện ít nhất, tạm gọi là 2 cuộc cải cách ruộng đất. Bên cạnh những tác động tích cực thì các chính sách đất đai trước đây cũng phát sinh mặt trái.
Bài học lớn nhất từ quá khứ cũng như tham khảo kinh nghiệm các nước có nền nông nghiệp tiên tiến là Nhà nước phải hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tuy nhiên hỗ trợ theo đúng nghĩa chứ không phải kiểm soát hay quản lý khu vực này.
Hỗ trợ, theo tôi là Nhà nước cần làm những gì người nông dân cần chứ không phải yêu cầu hay thúc đẩy người nông dân làm cái gì mà Nhà nước nói chung hay chính quyền các cấp mong muốn.
Bởi như tôi đã nói ở bài trước, xu hướng “doanh nghiệp hoá” đang được kêu gọi, liên quan đến tích tụ ruộng đất, tôi cho rằng nó sẽ khích lệ và tạo điều kiện về vật chất cho nhiều doanh nghiệp quan tâm đến mở rộng kinh doanh sang khu vực nông nghiệp, qua đó giúp khắc phục một số điểm yếu trước mắt của nông nghiệp và nông dân hiện nay.
Tuy nhiên, từ góc độ một luật sư, tôi đã hình dung một cơ chế pháp lý mới không đơn giản cho sự hợp tác suôn sẻ giữa doanh nghiệp và người nông dân vì lợi ích của cả hai phía.
Do đó, nhìn ở tầm khái quá và dài hạn hơn, tôi xin đề xuất ý tưởng xây dựng và ban hành một Đạo luật về phát triển nông nghiệp theo mô hình của rất nhiều quốc gia.
Bài 4: Luật riêng về nông nghiệp và tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?
Có thể bạn quan tâm
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất
04:50, 16/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp
11:01, 13/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045
04:50, 11/02/2021