Cần coi streamer là một nghề để quản lý

GIA NGUYỄN 23/02/2021 04:50

Livestream bán hàng online nở rộ, cùng với đó là hàng loạt các kho hàng giả, hàng nhập lậu bị triệt phá thời gian vừa qua, khiến dư luận không khỏi quan ngại, cần coi streamer là một nghề để quản lý…

Sau vụ việc triệt phá kho hàng lậu rộng khoảng 10.000m2 ở tỉnh Lào Cai, ghi nhận có hàng chục ngàn sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci… các sản phẩm này hầu hết được nhập từ Trung Quốc và được bán đi khắp mọi miền đất nước qua hình thức livestream.

Mới đây, ngày 22/02, qua công tác kiểm tra, Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát hiện kho hàng “khủng” có dấu hiệu nhập lậu với hàng chục ngàn sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau không có hóa đơn chứng từ trị giá hàng tỉ đồng.

Sau vụ việc kho hàng lậu

Sau vụ việc kho hàng lậu "khủng" bị triệt phá tại tỉnh Lào Cai, tiếp tục một kho hàng lậu khác vừa bị lực lượng Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai triệt phá - Ảnh: NLĐ

Theo lực lượng chức năng, kho hàng bị triệt phá do ông Đào Doãn D. (49 tuổi), ngụ tại khu phố 5B, phường Tân Biên, làm chủ. Quá trình kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện bên trong kho xưởng rộng khoảng 600m2 có 20 người đang bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook.

Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi quan ngại, nếu không có phương thức quản lý đối với loại hình kinh doanh này, quyền lợi của người tiêu dùng ai sẽ là người đảm bảo, đáng nói, không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, hình thức kinh doanh này còn đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, khi những vụ việc kho hàng bị triệt phá đa phần là hàng lậu, hàng nhái,... ngân sách Nhà nước cũng thất thu.  

Nhiều chuyên gia cho rằng, các streamer đang hoạt động như một nghề, những người thực hiện livestream thu hút lượng người xem ủng hộ trực tiếp rất đông và tạo ra thu nhập “khủng”. Livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các youtuber.

Cũng theo các chuyên gia, cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này, cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ, Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn và trên cơ sở đó, các cơ quan thuế phải thu thuế theo quy định pháp luật.

Các kho hàng lậu được phân phối bởi hình thức livestream

Các kho hàng lậu được phân phối bởi hình thức livestream tạo ra thu nhập "khủng", kéo theo đó là hàng loạt các hệ lụy cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và thất thu ngân sách - Ảnh: BLC

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh nhận định, hiện vẫn chưa có quy định cá nhân làm ngành nghề này phải đăng ký kinh doanh, cần quy định streamer là một nghề và người làm nghề phải đăng ký cá nhân kinh doanh, khi đó, việc thu thuế mới hiệu quả, hợp tình hợp lý. Còn nếu không quy định, cá nhân không đăng ký, ngành thuế mời họ lên đóng thuế mà họ không đóng, cũng không làm gì được.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cái gì là xu thế thì hãy để nó “chạy”, sau đó tự động xã hội sẽ từ từ điều chỉnh nó, pháp lý sẽ đi sau. Với những mô hình mới, cứ để nó diễn ra rồi theo dõi, quản lý dần chứ không nên siết chặt quản lý ngay từ đầu. Thật ra, streamer cũng na ná như hình thức youtuber hay bán hàng qua kênh truyền hình… Có những nền tảng cho phép livestream như Facebook, sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng trước hết cần kiểm soát được nội dung đăng tải vì nó liên quan đến truyền thông hơn là thương mại điện tử.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN cho biết, không chỉ với hoạt động bán hàng, Nhà nước cần quản lý các sản phẩm, hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer vì các sản phẩm này gắn liền với mạng xã hội, kênh phát video qua internet, có tính tác động, ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý văn hóa, xã hội và an ninh mạng.

Cũng theo Luật sư Hiệp, không cần công nhận đây là một nghề riêng biệt để có văn bản quy phạm pháp luật riêng, hiện nay, có thể vận dụng Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Xuất bản và các Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý các sản phẩm và hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Bắt giữ 14 xe chở 300 tấn hàng lậu vào nội địa

    Hải Dương: Bắt giữ 14 xe chở 300 tấn hàng lậu vào nội địa

    22:47, 14/01/2021

  • Công ty Nhật Cường chuyển hàng lậu qua sân bay Nội Bài thế nào?

    Công ty Nhật Cường chuyển hàng lậu qua sân bay Nội Bài thế nào?

    15:42, 14/01/2021

  • Quảng Ninh: Xử phạt 300 triệu đồng kho hàng lậu chuyên bán qua sàn TMĐT

    Quảng Ninh: Xử phạt 300 triệu đồng kho hàng lậu chuyên bán qua sàn TMĐT

    11:50, 12/11/2020

  • Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?

    Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?

    06:28, 20/09/2020

  • Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần

    Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần

    11:00, 05/09/2020

GIA NGUYỄN