HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 12): Luật Doanh nghiệp và quyền tự do kinh doanh
Sau hơn 20 năm ra đời và thực thi, Luật Doanh nghiệp đã là ngọn cờ về quyền tự do kinh doanh.
Trong hành trình Đổi mới của Việt Nam, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp là một trong những dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 ra đời đặt dấu ấn đầu tiên, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Đặc biệt, tiếp sau đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 – được coi như vết son trong chặng đường Đổi mới của Việt Nam đã tạo ra đột phá về mặt tư duy, mở rộng quyền tự do kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp chính là điển hình của đổi mới tư duy
Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đề ra đường lối Đổi mới, với chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần từ mô hình kinh tế đơn thành phần là nhà nước thì năm 1987 chúng ta có ngay Luật đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hình thành nên khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa có luật điều chỉnh nhưng Nghị quyết số 16 của Bộ chính trị về phát triển hộ sản xuất cá thể là những mầm mống đầu tiên của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân ngày nay.
Tại thời điểm này, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời như một điều kỳ diệu giúp chuyển đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp – yếu tố rất quan trọng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Suốt thời kỳ từ 1986 đến 1990, Đảng thấy rõ khu vực đầu tư nước ngoài đã có luật, doanh nghiệp nhà nước đang là một thành phần chủ yếu quyết định. Thành phần tư nhân trong nước nếu như không có luật điều chỉnh thì rõ ràng không khuyến khích phát triển. Thêm vào đó, không có luật điều chỉnh sẽ tạo nên sự không công bằng trong đối xử.
Chính vì vậy, Trung ương Đảng đã quyết định chủ trương phải xây dựng luật về khuyến khích phát triển kinh tư nhân. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng luật, tôi là một người tham gia xây dựng luật. Tại thời điểm đó, chúng tôi chưa hình dung ra được cụ thể thế nào, lúc đầu rất loay hoay. Bởi lẽ, nếu nói Luật để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân sẽ liên quan đến nhiều thứ như phải có Luật Dân sự, Luật Hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại mà lúc đó mình chưa có gì cả.
Vậy phải làm gì, một luật không thể có ngay tất cả mọi thứ được. Năm 1988, được giao nhiệm vụ, tôi bắt đầu nghiên cứu, kiến nghị xây dựng một luật về những nguyên tắc cơ bản khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.
Sau quá trình trăn trở, tìm lại luật thời kỳ trước, đặc biệt là trao đổi với nhóm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi nhận thấy rằng Luật về hình thức tổ chức doanh nghiệp là quan trọng hàng đầu. Từ đấy, nhóm soạn thảo bắt đầu xây dựng, thảo luận đưa ra Hội đồng Nhà nước tách thành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.
Những người tham gia soạn thảo hai luật này đều đi học ở Liên Xô về nên đều chưa có trải nghiệm về khái niệm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, trái phiếu, cổ phiếu… Chúng tôi chỉ cố gắng hiểu những luật mà mình tham khảo để chuyển tải thành luật của mình nên còn rất sơ sài.
Nhưng Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 được một điểm, đó là đã đặt dấu ấn, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và hình thành nên những loại hình doanh nghiệp hiện đại theo kinh tế thị trường.
Hai luật này được xây dựng trên nguyên tắc doanh nghiệp chỉ làm được những gì mà pháp luật và cơ quan nhà nước cho phép. Thậm chí, Luật nặng về thủ tục xin phép thành lập, còn chưa có gì hoặc rất đơn sơ về quản trị doanh nghiệp. Mọi thứ doanh nghiệp làm đều phải xin phép, hình thức này được gọi giấy phép không tên hoặc có tên nhưng phần lớn giấy phép là không tên.
Số doanh nghiệp được thành lập vào thời điểm này rất ít. Sau 10 năm thực hiện, hai Luật có khoảng 45.000 doanh nghiệp được thành lập, khi kiểm kê lại vào năm 1999 có hơn 32.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ hội kinh doanh của những doanh nghiệp thành lập vào thời điểm này cũng rất ít.
Vào thời điểm đó, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Trong quá trình đó, Đảng nhận thức được rằng thủ tục hành chính quá rườm rà, cần phải cải cách. Vì thế, vào năm 1994, có một nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính và sau đấy Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chỉ đạo cải cách rất mạnh mẽ, thủ tục hành chính phải đơn giản hóa mà một trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
Nhu cầu đó mạnh mẽ thêm bởi tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ 1997-1999. Lúc đó, đầu tư nước ngoài giảm, mình phải hấp thu nhanh được nguồn lực trong nước. Điều đó đặt ra vấn đề cấp thiết để có thể khởi sự nhanh, cải cách thủ tục hành chính mà trọng tâm là ở khâu xin phép thành lập và đăng ký thành lập doanh nghiệp để làm sao có nhiều doanh nghiệp tư nhân hơn.
Cùng với yêu cầu của thực tiễn về cải cách trong thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, tốc độ xây dựng Luật Doanh nghiệp được đẩy nhanh lên. Luật Doanh nghiệp bắt đầu soạn thảo vào cuối năm 1995 để đến năm 1999 được thông qua với nhiều tư tưởng đổi mới.
5 thành tựu lớn
Khi ra đời, Luật Doanh nghiệp mang trong mình sứ mệnh bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp. Về cơ bản, có 5 thành tựu lớn của Luật Doanh nghiệp mà chúng ta có thể kể đến như sau:
Thứ nhất: Thành tựu lớn nhất và cũng đáng tự hào nhất của Luật Doanh nghiệp khi thực thi là tạo được sự thay đổi trong tư duy, từ chỗ trước đây Nhà nước coi quyền kinh doanh là của Nhà nước thì Nhà nước đã trao quyền kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của họ.
Thứ hai: Trong 20 năm qua nhiều rào cản gia nhập thị trường được bãi bỏ, đơn giản hóa một cách có hệ thống thông qua các đợt cải cách thủ tục hành chính mà Luật Doanh nghiệp là một trong những đạo luật dẫn đầu. Qúa trình này đã tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí và tăng sự an toàn cho hoạt động kinh doanh của người dân.
Thứ ba: Về vấn đề quản lý nhà nước, Luật đã thay đổi tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chúng ta đã bỏ hoàn toàn quan niệm năng lực cơ quan nhà nước đến đâu thì cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh đến đó. Thay vào đó là tư duy quản lý để thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển và khởi sắc.
Thứ tư: Luật Doanh nghiệp 2005 đã thể chế hóa những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đàm phán gia nhập WTO.
Thứ năm: Tinh thần mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp đã mở đường cho việc sửa đổi nhiều đạo luật liên quan đến đầu tư kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai... Từ đó tạo thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Bài 13: Luật Doanh nghiệp và động lực của kinh tế tư nhân
Có thể bạn quan tâm
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 10): Kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp nhà nước
04:55, 05/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 9): Bốn rủi ro của mô hình nhà nước kiến tạo
04:55, 04/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo
04:55, 03/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 12): Doanh nghiệp nhà nước cần cách tiếp cận mới
04:55, 06/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước
04:50, 01/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 5): Bước ngoặt chuyển đổi
04:50, 24/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?
05:30, 21/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?
11:10, 20/02/2021