Khơi thông nguồn vốn đầu tư công: Phải sửa Luật Đầu tư công

HUYỀN TRANG (thực hiện) 13/03/2021 04:30

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh: đầu tư công vẫn sẽ phân tán, lãng phí nếu như chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng.

LTS: Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong thời điểm này sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng khơi thông nguồn vốn này ra sao?

Ông Cung cho rằng, để khơi thông vốn đầu tư công, chúng ta phải sửa hoặc bỏ hoàn toàn Luật Đầu tư công.

- Vì sao, thưa ông?

Dù đã có Luật Đầu tư công, song nếu nhìn tổng hệ thống pháp luật thì hiện nay hệ thống thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công.

Cần nhắc lại Việt Nam là nước duy nhất có Luật Đầu tư công. Nhưng Luật Đầu tư công chưa giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công nếu chỉ chuyển từ Chính phủ quyết sang Quốc hội quyết hay ngược lại.

Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng khiến ngân sách nhà nước có tiền nhưng không tiêu được, trong khi nhiều công trình lại phải chờ vốn.

- Thời điểm hiện tại, đầu tư công là một trong 3 “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng. Vậy làm thế nào để khắc phục được điều này, thưa ông?

Đúng vậy, hiện tại đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn, khi COVID-19 qua đi, động lực của tăng trưởng sẽ không chủ yếu đến từ đầu tư công mà đến từ hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Hiện nay, chúng ta giải ngân vốn đầu tư như một biện pháp để gỡ khó cho nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng biện pháp quan trọng hơn trong giải ngân vốn đầu tư là phải tăng chất lượng nguồn cung. Cho nên cần nhấn mạnh nhiều hơn đến hiệu quả đầu tư công hơn là gia tăng số lượng đầu tư.

 TP HCM đã có chủ trương chấm dứt hình thức đầu tư BOT với dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và cầu đường Bình Triệu 2 để chuyển sang thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

TP HCM đã có chủ trương chấm dứt hình thức đầu tư BOT với dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và cầu đường Bình Triệu 2 để chuyển sang thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Tại sao? Tại vì khi đốc thúc giải ngân vốn đầu tư thì có thể dẫn đến việc bỏ qua mắt xích nào đó trong quy trình, thủ tục hoặc kể cả vấn đề về giám sát, dễ dãi trong một số công đoạn, hoặc đơn giản hóa một số quy trình, thủ tục để có thể nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư. Nếu làm như vậy thì có thể sẽ trao cơ hội cho một số dự án không hiệu quả, những dự án sân sau, những dự án có thể gây thất thoát hay lãng phí.

Không nên quá vội vàng trong việc phải giải ngân và tạo áp lực giải ngân dẫn tới giải ngân mà không chú ý tới hiệu quả mà nên chú ý tới hiệu quả rồi mới giải ngân. Cùng với đó, chúng ta phải sửa Luật Đầu tư công và thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực.

- Vậy theo ông, sửa Luật Đầu tư công theo cách nào?

Cùng với việc sửa đổi Luật Đầu tư công, tôi đề xuất trong kế hoạch đầu tư công nếu còn giữ kế hoạch trung hạn thì chỉ nên giữ lại một số nội dung như tổng mức đầu tư, định hướng đầu tư ưu tiên...

Trường hợp Quốc hội có quyết định về việc đầu tư công thì đó chỉ là chủ trương, định hướng ở một số dự án quan trọng quốc gia nhưng không phê duyệt về tổng mức đầu tư, hình thức và danh mục dự án đầu tư. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công theo 9-10 bước như hiện nay nên bỏ vì chỉ mang tính hành chính.

Thêm nữa, xây dựng danh mục dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư công nên là việc làm liên tục, thường xuyên của các bộ và UBND các cấp chính quyền. Theo đó, họ cần được mở rộng quyền tự chủ và tăng tính trách nhiệm.

Cùng với đó, việc giải ngân vốn đầu tư công nên chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm chứ không nên giải ngân dàn trải. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các dự án đầu tư phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong quy trình lựa chọn cần yêu cầu có ý kiến phản biện của các chuyên gia và cộng đồng xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác. Với việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020, tăng 34,5% so với năm 2019, đây là mức đạt cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2020. 

HUYỀN TRANG (thực hiện)