Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử: Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp
Nhiều chủ sàn bày tỏ lo ngại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013?NĐ-CP về thương mại điện tử sẽ bó hẹp không gian phát triển, làm khó chủ sàn...
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện quy tụ nhiều tên tuổi lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... Trong giai đoạn dịch Covid-19, tăng trưởng giao dịch của các sàn thương mại điện tử vẫn đạt kỷ lục ở mức hai con số. Với thị trường gần 100 triệu dân, mức tăng trưởng kinh tế-xã hội ổn định, thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vào các sàn hàng tỷ USD đầu tư.
Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến lại thu hút sự quan tâm vô cùng lớn trong dư luận.
Rào cản thu hút đầu tư
Bình luận về các quy định của Dự thảo lần này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết: Khoản 11 (a) của Điều 36 quy định Sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp công cụ tra cứu thông tin liên quan đến người bán cho cơ quan Nhà nước để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Tuy nhiên, biện pháp quản lý này mâu thuẫn với nhiều quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như điểm 1(c) Điều 17 Luật An toàn thông tin Mạng về việc bảo vệ thông tin cá nhân và Khoản 03 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015”. Đặc biệt, Khoản 11(d) Điều 36 của Dự thảo buộc doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định trong Dự thảo”, ông Đồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ - đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử sendo.vn cho biết, các sàn trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore, Indonesia, nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào thương mại điện tử.
“Có nhiều rào cản thì nhà đầu tư đã đầu tư vào rồi cũng thoái vốn”, ông Dũng lo ngại.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào thương mại điện tử nhưng sau một thời gian không đầu tư nữa và các sàn hiện chủ yếu hút vốn từ nước ngoài.
Vì thế, ông Dũng cho rằng quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thương mại điện tử trong nước phải là những doanh nghiệp có uy tín toàn cầu rất khó thành hiện thực, quy định này chỉ làm khó sàn trong nước.
Mâu thuẫn với Luật Quản lý thuế
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì nêu ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét tại Điều 36 của Dự thảo quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cho thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải “có trách nhiệmkê khai, khấu trừ và nộp thuế theo quy định”.
Theo ông Cương, việc Dự thảo quy định về nghĩa vụ “kê khai, khấu trừ và nộp thuế” cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Sàn giao dịch thương mại điện tử đang mâu thuẫn với Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, tạo sự chồng chéo về nghĩa vụ của các đối tượng bị điều chỉnh giữa các văn bản quy định pháp luật khác nhau.
Thật ra, lâu nay, giao dịch xuyên biên giới vẫn được xem là điểm hấp dẫn của thương mại điện tử. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận và giao dịch các sản phẩm từ nước ngoài với giá rẻ, an toàn. Tuy nhiên, với khoản 2 Điều 67b của Dự thảo thì yếu tố này đã bị triệt tiêu rất nhiều do các điều kiện ràng buộc như phải xác minh danh tính; phải chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam; sàn thương mại điện tử tham gia với tư cách là bên làm dịch vụ nhập khẩu theo ủy thác...
Ông Đoàn Tích Tử Phước, Trưởng đại diện MoMo tại Hà Nội đánh giá: “Siết chặt giao dịch xuyên biên giới cũng đồng thời sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thương mại điện tử trong nước. Hậu quả lâu dài là các sàn thương mại điện tử trong nước có thể phải nhường chỗ cho hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử ở nước ngoài như Amazon hoặc Aliexpress, Facebook vốn không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và người tiêu dùng mua hàng ở các nền tảng này cũng sẽ không được hưởng chính sách bảo vệ/hỗ trợ từ sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Sàn thương mại điện tử không chỉ "giải cứu" nông sản
11:31, 11/03/2021
Sàn thương mại điện tử "bất an"
14:30, 04/03/2021
Lấp “lỗ hổng” chính sách trong thương mại điện tử
04:30, 03/03/2021