“Hãy thương thật doanh nghiệp để chính sách đi vào thực tế hơn”
Đây là nhấn mạnh của bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A tại Đối thoại, tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19.
Đối thoại do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.
Tại Hội thảo, bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A nhấn mạnh, doanh nghiệp không hy vọng nhiều ở các gói hỗ trợ khổng lồ như các nước mà mong nhất Chính phủ, các bộ, ngành “thương thật” doanh nghiệp.
Đánh giá cao gói hỗ trợ tài khóa đi nhanh vào cuộc sống nhưng bà Vũ Thị An cho biết, bà cảm thấy gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì sau đó doanh nghiệp vẫn phải nộp chứ không được miễn giảm.
Nhìn sang nước bạn, bà An nhấn mạnh rằng doanh nghiệp đang thấy tủi thân vì các gói hỗ trợ khổng lồ của họ. Nhưng, doanh nghiệp thông cảm về sự khiêm tốn trong chính sách hỗ trợ do quốc gia nghèo, thu không đủ chi. Với hiệu quả mang lại còn nhỏ bé nên các doanh nghiệp vẫn lèo lái doanh nghiệp đến thời điểm này, phải bán xe, nhà để trụ lại thì họ xứng đáng là những anh hùng.
“Năm 2020, doanh nghiệp vẫn trụ được vì còn “có thóc giống để ăn” nhưng “năm 2021, 2022 còn khó khăn hơn nên doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn. Do đó, các gói giải pháp hỗ trợ cần phải tiếp tục, đặc biệt là về thuế phải thiết thực. Bởi lẽ, trong dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề mà cả doanh nghiệp lớn, song chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp", bà An nói.
Cũng theo bà An, trong dịch Covid-19 vừa qua và hiện nay, nên có sự phân loại, doanh nghiệp nào ảnh hưởng nhiều nhất thì có chính sách phù hợp, thiết thực hơn, ví dụ như dệt may, hàng không, du lịch....
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch nhưng cũng có số ít doanh nghiệp được hưởng như doanh nghiệp về công nghệ thông tin, sàn giao dịch trực tuyến, vì thế, họ cũng không cần phải hỗ trợ.
Để các chính sách hỗ trợ đi vào thực tế, bà An đề nghị tiếp tục đề nghị cần phải “thương doanh nghiệp” trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, bà An cho rằng, cần phải tin doanh nghiệp và thông qua những hàng động cụ thể.
Ví dụ như trong 5 năm tới, hạn chế tối đa thanh tra doanh nghiệp để họ tập trung kinh doanh. Điều này cũng đã được Luật Quản lý thuế quy định, cho phép, chứ “chủ doanh nghiệp làm ăn vất vả nhưng nếu bị kiểm tra họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm báo cáo”.
“Tôi mong các cơ quan, bộ ngành hãy tin ở doanh nghiệp. Mà biểu hiện cụ thể là hạn chế tối đa các cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm làm ăn”, bà An nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
“Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID bộc lộ bất cập”
09:03, 18/03/2021
Quảng Ninh: Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
15:37, 12/09/2019
“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vẫn chưa nhất quán”
04:50, 21/01/2021