Thách thức quản lý thương mại điện tử
Cùng với sự phát triển của công nghệ, ranh giới giữa mạng xã hội và các sàn TMĐT đang dần trở nên… mờ dần. Điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý.
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là đang trong giai đoạn bùng nổ với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao.
Bất cập quản lý
Theo khảo sát của VECOM, năm 2019, 40% các doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội đánh giá hiệu quả kinh doanh ở mức độ cao. Con số này cao hơn nhiều so với việc bán hàng trên các sàn TMĐT hay website của doanh nghiệp. Có thể thấy, mạng xã hội là một kênh bán hàng hiệu quả, trở thành xu hướng và thu hút được ngày càng nhiều cá nhân tham gia kinh doanh trên nền tảng này.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến lỗ hổng pháp lý điều chỉnh các hoạt động TMĐT trên mạng xã hội nếu so sánh với các quy định chặt chẽ hiện hành đối với các sàn và website TMĐT khác trên thị trường.
Cùng với đó, ranh giới phân biệt hoạt động thương mại điện tử trên các sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT và trên các mạng xã hội không còn rõ ràng bởi các nền tảng này luôn có sự cải tiến và bổ sung các chức năng tương tự nhau. Có thể thấy, nhiều mạng xã hội đã bắt đầu tạo ra những chức năng cho phép cá nhân giao bán hàng hoá như Marketplace của Facebook hay Shop của Zalo. Thậm chí, người mua hàng trên các nền tảng này cũng có thể đặt mua hàng trực tuyến tương tự như trên các sàn thương mại điện tử.
Điều này đã đặt ra câu hỏi liệu có nên phân chia mức độ quản lý giữa mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến và sàn giao dịch TMĐT hay không?
Trong tương lai, quản lý hoạt động TMĐT nên tiếp cận theo hướng mở rộng, nó không chỉ là các hoạt động thương mại trên mạng xã hội hay sàn giao dịch TMĐT mà là các dịch vụ số
Trong ngắn hạn, việc phân loại là cần thiết; bởi hệ thống pháp luật hiện nay đã tồn tại một số văn bản điều chỉnh cho từng loại hình nền tảng. Việc phân định này sẽ giúp tận dụng được những quy định sẵn có, sửa đổi, bổ sung và sử dụng cho từng trường hợp để phù hợp với tính chất của từng loại nền tảng. Ví dụ, dựa trên nghiên cứu của VCCI, báo cáo đã đề xuất phân chia mức độ quản lý mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử theo chức năng đặt hàng trực tuyến kết hợp với tính chất thông tin được đăng tải.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, không nên quản lý hoạt động TMĐT theo kiểu “manh mún”, điều chỉnh theo từng loại nền tảng riêng lẻ. Bởi lẽ, càng cố gắng kiểm soát cụ thể từng loại nền tảng thì các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn gia nhập thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn với tiềm lực và kinh nghiệm có thể có nhiều cách để đáp ứng với các điều kiện nghiêm ngặt mà pháp luật đặt ra.
Quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng số
Vì vậy, trong tương lai, vấn đề này nên được tiếp cận theo hướng mở rộng, khái quát đối tượng điều chỉnh không chỉ là các hoạt động thương mại trên mạng xã hội hay sàn giao dịch TMĐT mà là các dịch vụ số.
Theo cách tiếp cận tổng quát, dù hoạt động TMĐT được phân loại theo mô hình nền tảng nào thì ở đó vẫn phát sinh một số vấn đề pháp lý nhất định.
Thứ nhất, vấn đề quản lý thuế, hoạt động TMĐT trên nền tảng Internet đã tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác định thông tin và cơ sở kinh doanh của các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, qua quan sát, nhiều cơ sở kinh doanh, cá nhân, tổ chức đã sử dụng các dịch vụ vận chuyển và thanh toán để thuận lợi hoá quan hệ giao dịch với người mua hàng.
Do vậy, trong thời gian tới, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên thanh toán, bên vận chuyển có lẽ cần phải được xem xét trong việc xác định giá trị giao dịch, thuế giá trị gia tăng, thu nhập tính thuế của các bên bởi họ có khả năng thu thập được thông tin thanh toán của các bên trong giao dịch.
Thứ hai, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong hoạt động thương mại thông thường, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vốn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vấn đề này càng trở nên phức tạp và khó giải quyết khi hoạt động thương mại được thực hiện thông qua Internet – nơi người mua và người bán không thể trực tiếp trao đổi hàng hoá.
Điều này đã đặt ra yêu cầu cần phải quy định cụ thể, chi tiết nghĩa vụ của bên trung gian trong hoạt động TMĐT, kết nối giữa người mua và người bán. Trong đó, các nghĩa vụ nên được chú ý là kiểm soát thông tin và nội dung thông tin được đăng tải, khai báo và xác thực người dùng, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người bán và người mua,…
Bên cạnh công cụ pháp luật, các công cụ chính sách khác cũng có thể được sử dụng để bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Ví dụ như yêu cầu các bên trung gian xây dựng quy tắc đạo đức, gia tăng vai trò của các hiệp hội trong việc báo cáo đánh giá, xếp hạng độ uy tín của các bên trung gian; từ đó, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn những nhà cung cấp phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất sàn thương mại điện tử phối hợp để “đánh” thuế kinh doanh online
04:30, 25/03/2021
Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam: Luật Thương mại điện tử cho chúng tôi có rất nhiều quyền
05:03, 24/03/2021
Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Thương mại điện tử trên mạng xã hội có nhiều vấn đề pháp lý đang bị chồng lấn
23:06, 23/03/2021