Dự án BOT tắc vốn bảo trì: Đường xuống cấp ai sửa?
Vừa qua dư luận vô cùng quan ngại khi 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng thì có đến 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì.
Đó là dự án QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên; QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh; QL1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy, 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và QL91 đoạn Km14 - Km 50+889. Đáng nói, hầu hết các dự án dừng bảo trì và bảo trì cầm chừng đều cho thấy sự xuống cấp, hư hỏng lớn đe dọa an toàn giao thông, lợi ích của Nhà nước.
Các bên đều “né” trách nhiệm…
Trước thực trạng đã nêu, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải các địa phương, nhà đầu tư BOT và Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ, đường cao tốc.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, các dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn thành việc xác lập quyền sở hữu toàn dân, chưa chuyển giao công trình BOT cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì nhà đầu tư dự án vẫn có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình, cùng với đó, nếu để đường hư hỏng mất ATGT mà không sửa chữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quyết định tạm dừng thu phí khi cần thiết.
Thế nhưng, thông tin với báo chí trước đó, ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Công ty CP BOT đường tránh TP Thanh Hóa cho biết: Chi phí bảo trì tuyến đường được tính trong tiền thu phí, khi dừng thu phí không còn nguồn bố trí cho việc này.
“Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Tổng cục Đường bộ giải quyết vướng mắc hoặc cấp kinh phí sửa chữa, nhưng chưa được giải quyết”, ông Nam nói.
Còn ông Trịnh Huy Toàn - Giám đốc Công ty CP BOT Quốc lộ 2 (nhà đầu tư) cũng lý giải: Theo hợp đồng ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư được thu phí tới năm 2025, tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ tính toán số phí thu đã đạt theo hợp đồng và buộc nhà đầu tư dừng thu phí khi chưa hết hạn. Tiền bảo trì tính trong mức phí thu, nay không còn thu nên không có kinh phí bảo trì.
“Chúng tôi dừng thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ nhưng còn một số điểm chưa đồng ý, hợp đồng đang tranh chấp. Bộ GTVT đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm với dự án, hợp đồng cũng không có điều khoản nhà đầu tư phải bảo trì đường sau khi dừng thu phí”, ông Toàn nói.
“Kẽ hở” từ đâu?
Thông tin với báo chí, Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho rằng, với những dự án BOT được bàn giao đã xuống cấp cần rà soát, xem xét lại toàn bộ hợp đồng ký kết liên quan để xác định trách nhiệm, cũng như lợi ích của các bên, tất cả sẽ phải thực hiện theo hợp đồng nên các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT cần phải cứng rắn, rõ ràng hơn.
“Chẳng hạn với những dự án BOT vẫn đang trong thời gian thu phí, nếu phát hiện dự án xuống cấp, hư hỏng, cơ quan quản lý nhà nước phải buộc nhà đầu tư dừng thu phí, bảo trì xong mới được phép thu phí tiếp. Với những dự án hết thời gian thu phí, khi được bàn giao phải bảo đảm chất lượng, còn khai thác tốt mới tiếp nhận”, ông Nhường nêu quan điểm.
Còn theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, tiếp nhận một dự án BOT xuống cấp, hư hỏng khi nhà đầu tư BOT đã hết thời gian thu phí là một “lỗ hổng” lớn trong việc thực hiện ký kết hợp đồng giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước với dự án và chủ đầu tư dự án.
Ông Thủy cho hay, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do mâu thuẫn trong xác định mục tiêu, cơ quan quản lý Nhà nước thì phải hướng tới mục tiêu tiếp nhận một dự án bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tham gia giao thông, trong khi đó, người kinh doanh chỉ mong muốn mang lại lợi nhuận cao nhất cho khoản vốn bỏ ra.
"Vì điều này, khi làm hợp đồng ký kết giữa hai bên nếu thực hiện không khách quan, minh bạch, không dựa trên những nguyên tắc, mục tiêu chung thì chính đơn vị thi công chỉ chạy theo mục tiêu của họ đó là: thu lợi cao nhất, thu hồi vốn nhanh nhất", ông Thủy nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm