Nhiều quy định quản lý tài chính dự án PPP “đánh đố” nhà đầu tư
Theo các nhà đầu tư, Nghị định 28 mới được ban hành có nhiều quy định đang làm khó cơ quan quản lý, thậm chí đang “đánh đố” nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP…
Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng tạo ra lực đẩy để các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư các dự án hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư cho rằng, một số quy định tại Nghị định 28 được ban hành mới đây đang làm khó cơ quan quản lý, thậm chí đang “đánh đố” doanh nghiệp.
Điển hình là 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) dù đã đấu thầu, lựa chọn xong nhà đầu tư từ cuối năm 2020, nhưng đến nay đang có nguy cơ bị “treo” do quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư trúng thầu gặp quá nhiều vướng mắc với nhiều bất cập tại Nghị định 28.
Chia sẻ thông tin với cơ quan báo chí, đại diện Vụ PPP – Bộ GTVT cho rằng, nếu các quy định bất cập của nghị định không được sửa đổi bổ sung, cả 3 dự án có nguy cơ đổ vỡ, sắp tới lại phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh hình thức đầu tư…
Liên quan tới vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, những vướng mắc đầu tiên phải nhắc tới là vấn đề nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 3, điều 8, Nghị định 28, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận. Đồng nghĩa, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành.
Theo một nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc – Nam, điều này rất bất cập, bởi đã là hợp tác công tư, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì Nhà nước cũng phải bỏ vốn góp theo tỷ lệ tương ứng.
“Do ràng buộc của quy định này nên chúng tôi đang gặp khó trong việc ký kết hợp đồng tín dụng do phía ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước”, vị này chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - một nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, điều 18, Nghị định 37/2015 quy định về hợp đồng xây dựng nêu rõ, nhà thầu thi công được tạm ứng tối thiểu 10% và tối đa 50% giá trị hợp đồng. Mặt khác, tại hợp đồng thi công các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức đầu tư công, các nhà thầu được tạm ứng khoảng 30% giá trị hợp đồng.
“Đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, trong Nghị định 28 lại không có quy định cho doanh nghiệp được tạm ứng là rất vô lý. Do đó, điều khoản này cần sửa đổi theo hướng có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để tạm ứng, hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu thi công trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án”, ông Thế kiến nghị.
Đối với các trình tự, thủ tục thực hiện chia sẻ doanh thu tăng, giảm, tại mục b, khoản 1, Nghị định 28 quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 82 Luật PPP”.
Đại diện Vụ PPP cho rằng, điều khoản này cần phải quy định chi tiết việc áp dụng điều chỉnh mức giá, phí, thời hạn hợp đồng ở mức độ nào và đến khi nào để được chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu do không thể tăng giá, phí sản phẩm, dịch vụ công quá cao và tăng suốt vòng đời dự án.
Theo quy định tại Điều 42, Luật PPP, mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công là một trong những tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và thời hạn hợp đồng được xác định cố định và quy định cụ thể trong hợp đồng dự án PPP, khi điều chỉnh các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán các thông số tài chính, tiến độ huy động vốn, lãi vay của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một bất cập khác quy định về chia sẻ doanh thu của dự án PPP. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 28, việc xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ sẽ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, còn nhà đầu tư không được nhắc tới.
Với vấn đề này, PGS. TS.Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, điều khoản này bất hợp lý, cần phải xem xét điều chỉnh sửa đổi hoặc hủy bỏ.
“Quy định của điều khoản này không phù hợp với khoản 4, Điều 82 của Luật PPP. Bởi, trong Luật PPP đã nêu rất rõ, định kỳ hàng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu”, ông Chủng phân tích.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định về lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án PPP
18:03, 31/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP
00:10, 30/03/2021
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu dự án PPP: Còn nhiều băn khoăn!
11:10, 18/03/2021
Sẽ đầu tư hơn 6.600 tỉ đồng cho cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo hình thức PPP?
10:27, 14/03/2021
Nhà đầu tư lúng túng vì chưa có văn bản hướng dẫn Luật về PPP
17:00, 04/03/2021
VBF 2020: JCCI đề xuất cơ chế bảo lãnh hợp đồng PPP gỡ “nút thắt” đầu tư vào hạ tầng
09:47, 22/12/2020
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Nguyên nhân đóng băng các dự án PPP
12:30, 13/12/2020
Kiến nghị sớm xử lý các rào cản khiến dự án PPP khó triển khai
03:30, 03/11/2020