Nỗi lo mới cho sàn thương mại điện tử
Những sửa đổi mới nhất trong Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử sẽ gây khó khăn về hệ thống vận hành và tạo nên chồng chéo về đối tượng và nghĩa vụ nộp thuế.
Bộ Công Thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử (TMĐT) theo hướng tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, những thay đổi này lại được cho là rào cản siết chặt doanh nghiệp.
Nhập nhằng về trách nhiệm
Khoản 11 (d) của Dự Thảo buộc doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định trong Dự thảo. Việc kiểm soát hàng hóa/tuân thủ quy định pháp luật là việc mà các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều nghiêm túc thực hiện trong khả năng hợp lý của sàn, và các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT có quy trình xử lý ngay khi phát hiện được hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng áp dụng quy định của Dự thảo một cách máy móc sẽ là vô lý đối với các trường hợp ngoài tầm kiểm soát của sàn, và vô hình chung đẩy các sàn vào thế khó khi mà vấn đề hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề chưa thể xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn xã hội.
Để cho rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo tách biệt 02 loại trách nhiệm pháp lý gồm: Thứ nhất, trách nhiệm của người bán hàng trên sàn thương mại điện tử đối với tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ được đăng bán trên sàn giao dịch TMĐT; và thứ hai, trách nhiệm của sàn giao dịch TMĐT trong tuân thủ các nghĩa vụ của sàn giao dịch TMĐT.
Do đó, tôi cho rằng ở góc độ luật pháp, trách nhiệm của sàn TMĐT và người bán cần phải được xem xét một cách độc lập với nhau theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu người bán vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT thì tùy mức độ/hành vi vi phạm mà phải chịu trách nhiệm hình sự/dân sự/hành chính theo quy định pháp luật có liên quan.
Không đúng về đối tượng và nghĩa vụ nộp thuế
Dự thảo quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT cho thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT phải “có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế theo quy định”.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có hiệu lực thi hành và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020 thì đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thì “Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số” (theo điểm (a) khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).
Như vậy, theo quy định tại điểm (a) khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn chuyên ngành về thuế thì có thể thấy đối với đối tượng là nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa vào nền tảng số thì sẽ do Ngân hàng thương mại hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc kê khai và nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Việc Dự thảo quy định về nghĩa vụ “kê khai, khấu trừ và nộp thuế” cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Sàn giao dịch thương mại điện tử rõ ràng là mâu thuẫn với Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, tạo sự chồng chéo về nghĩa vụ của các đối tượng bị điều chỉnh giữa các văn bản quy định pháp luật khác nhau.
Bà LẠI VIỆT ANH, Cục phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Cân bằng lợi ích các bên tham gia thương mại điện tửNghị định 52/2013 ra đời khi mọi người chưa biết tới Uber, Grab, nhưng nay nhà nhà, người người đã tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử, mua bán, giao dịch trên mạng. Vì vậy, việc ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 52 hướng mục đích cân bằng lợi ích các bên tham gia thương mại điện tử như chủ sàn, nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng. Tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhái ngày càng tăng trên sàn, vì vậy nghị định đưa ra các giải pháp minh bạch thông tin hàng hóa, trách nhiệm chủ sàn.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: Không khả thi là quy trách nhiệm chủ sàn về hàng giả, hàng nhái
Việc quy định các sàn phải xây dựng công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý là vi phạm Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự, cần cân nhắc việc bổ sung quy định. Về quy trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử trong kiểm soát người bán hàng trên sàn để hạn chế hàng giả, hàng nhái không khả thi. Ngay với chợ truyền thống cũng không quy định được chủ chợ chịu trách nhiệm khi tiểu thương bán hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, nên cân nhắc công cụ khác, khuyến khích sàn tự xây dựng chuẩn mực, tự công bố thông tin, các công cụ báo cáo từ chủ hàng khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hoặc nâng cao vai trò giám sát, đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với các sàn.