Lấp khoảng trống trong chuyển giao công nghệ
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp. Dự thảo ra nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt.
Bộ Công Thương vừa phát Công văn đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, lấy ý kiến xã hội. Đáng chú ý, đạo luật này sẽ tập trung vào mảng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đỗ Thuyên, Thạc sĩ Chính sách công, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức.
- Trong đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thiếu hành lang pháp lý và chế tài mạnh đã khiến cho công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển,... và do đó không hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước năm 2020, ông nhận định thế nào về đề xuất này?
Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp đề xuất một số chính sách chủ yếu nêu trên dựa trên những phân tích về tầm quan trọng và thực trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 16,5% GDP với xu hướng tỷ trọng ngày càng tăng, cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế và vẫn đang là động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, giá trị gia tăng ngành này tạo ra còn thấp vì vẫn tập trung chủ yếu vào gia công, lắp ráp trong khi khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là rất hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng những phân tích trong Dự thảo đã khái quát được đầy đủ tình hình phát triển không khả quan trong dài hạn của ngành này, từ sự thiếu vắng hành lang pháp lý (các chiến lược, quy hoạch công nghiệp hiện tại đều không có tính ràng buộc về mặt pháp lý) cho đến tình trạng yếu và thiếu (về vốn, nhân lực và công nghệ) của doanh nghiệp trong ngành.
Một đạo luật thường được kỳ vọng sẽ là công cụ để nhà nước điều chỉnh hành vi của người dân. Tuy nhiên, với Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp (Dự thảo), tôi nhận thấy có nhiều kỳ vọng khác từ phía ban soạn thảo. Chẳng hạn, luật này sẽ giúp điều chỉnh hành vi của các cấp quản lý có liên quan đến công nghiệp từ trung ương đến địa phương, tạo ra các cú hích về chính sách như thúc đẩy các ngành công nghệ gia công cơ bản (rèn, dập, hàn, đúc…), tạo ra các thiết chế mới như “Trung tâm cải tiến năng suất công nghiệp”, “Ủy ban Phát triển công nghiệp quốc gia”... Dự thảo này, vì vậy, theo tôi là chứa đựng nhiều mục tiêu chính sách tham vọng.
Mặc dù vậy, những chính sách được đề xuất cần nhận được sự phản biện rộng rãi hơn từ nhiều góc độ. Chẳng hạn, để thiết chế “Ủy ban Phát triển công nghiệp quốc gia” phát huy được hiệu quả trong việc chỉ đạo các chiến lược phát triển công nghiệp, cần nhiều hơn là một sự thành lập mới về mặt hành chính. Không chỉ cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban này (như Dự thảo đã nêu), mà đặc biệt, chế tài để Ủy ban này xử lý những Bộ, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ cũng là điều quan trọng không kém.
Một điểm sáng của Dự thảo này là sự khẳng định “sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh”. Thay vào đó, luật này sẽ tập trung vào việc tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Có thể nói, đối tượng điều chỉnh chủ yếu của luật này là các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động từ luật này, nhưng có cơ sở để tin rằng đó là những tác động tích cực.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp công nghiệp trong nước sẽ có thêm khách hàng (là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… bắt buộc phải mua sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất khi tiến hành mua sắm sử dụng vốn nhà nước); các doanh nghiệp sản xuất “sản phẩm công nghiệp chủ lực” có thể được trực tiếp nhận hỗ trợ lãi vay nhằm đầu tư các dự án sản xuất từ nguồn ngân sách địa phương.
-Theo ông, liệu các biện pháp trên có giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo?
Luật chỉ là một trong số các công cụ chính sách, và ban hành chính sách chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có tác động đến sự phát triển của một ngành công nghiệp. Thực tiễn thực thi chính sách, với những biến số như mục tiêu chính sách có rõ ràng hay không, nguồn lực thực thi có đủ hay không, chế tài thực thi có nghiêm ngặt hay không… cũng là yếu tố quan trọng, thậm chí có tính quyết định.
Từ góc độ của ban soạn thảo Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp, các chính sách được đề xuất đều có những lập luận ủng hộ và dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm từ những nước có điều kiện kinh tế xã hội khá tương đồng với Việt Nam.
Chẳng hạn, chính sách thúc đẩy các ngành công nghệ gia công cơ bản đã từng được Nhật Bản áp dụng từ năm 1956 với “Luật về biện pháp tạm thời đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy móc”, tập trung vào 20 tiểu ngành của công nghiệp cơ khí với các ưu đãi và hỗ trợ cụ thể. Hoặc như, mô hình thực thi – giám sát của “Ủy ban Phát triển công nghiệp quốc gia” và “Ủy ban Thường vụ Quốc hội” vốn đã từng được Hàn Quốc áp dụng (với “Ủy ban Thường vụ Nghị viện” sẽ trực tiếp giám sát “Ủy ban phát triển công nghiệp vật liệu và linh phụ kiện”).
Mặc dù vậy, theo tôi, nên hết sức cẩn trọng khi tham khảo các chính sách – dù cho nó xuất phát từ các nước Đông Bắc Á vốn được cho là khá tương đồng với Việt Nam. Bởi vì, dù sao thì tại thời điểm các chính sách đó được áp dụng, bối cảnh chính trị - văn hóa – xã hội cũng không thể hoàn toàn giống với Việt Nam hiện tại. Có những khác biệt đôi khi lại mang tính quyết định, chẳng hạn hiệu lực thực thi chính sách rất cao dưới thời chính quyền độc tài Park Chung Hee.
Trong quá khứ, chúng ta không phải là chưa từng học tập kinh nghiệm quốc tế và cũng đã có nhiều thất bại (chẳng hạn như các “quả đấm thép” Vinashin, Vinalines). Vì vậy, đã không học thì thôi, còn nếu học, tôi nghĩ, chúng ta cần học hỏi thật triệt để, thật kỹ lưỡng, không chỉ học hỏi về mặt kỹ thuật lập pháp mà còn học hỏi cả thực tiễn thực thi, học hỏi về cấu trúc bộ máy, học hỏi về bối cảnh chính trị xã hội, học hỏi về cách tạo dựng sự ủng hộ từ cộng đồng…
Câu chuyện Trung Quốc thành công giảm lượng khí thải SO2 chỉ ra hai bài học mà tôi tin là Việt Nam có thể áp dụng được: (1) Mục tiêu chính sách rõ ràng (giảm 10% lượng khí thải SO2 đến 2010) và (2) Chế tài thực thi đủ mạnh (sẵn sàng thăng chức hoặc cách chức các lãnh đạo địa phương hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ). Bên cạnh một số mục tiêu chính sách được Dự thảo nêu khá rõ thì chế tài thực thi vẫn là yếu tố chưa được nhấn mạnh trong Dự thảo này.
-Một trong những nội dung xây dựng Dự thảo này đang làm dấy nên một sự kỳ vọng mới về việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Kể từ khi các doanh nghiệp FDI lớn như Formosa, Samsung đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta bắt đầu thấy được tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ hay tăng tỷ lệ nội địa hóa. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nói đến việc các doanh nghiệp nội địa không thể bắt kịp chuyến tàu công nghệ, không thể thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của những “ông lớn” FDI mà chỉ dừng lại ở mức độ gia công đơn giản, lắp ráp tay chân.
Những hệ lụy về lâu dài sẽ là rất nghiêm trọng: (1) Đất nước không có một nền công nghiệp tự chủ đúng nghĩa; (2) Một lượng lớn nhân lực đang từ bỏ ruộng đồng để tham gia vào khu vực công nghiệp chế biến chế tạo (theo đúng lộ trình công nghiệp hóa) nhưng họ không nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp của mình và dễ dàng bị đào thải; (3) Các doanh nghiệp nội địa rất khó trở thành nhà cung ứng cấp 1 của doanh nghiệp FDI và vì vậy, không thể học hỏi được gì nhiều về công nghệ để có thể dần phát triển và có thể lấp vào chỗ trống nếu doanh nghiệp FDI rời đi.
Khung pháp lý hiện tại lẫn các ràng buộc từ các hiệp định thương mại quốc tế không cho phép Chính phủ Việt Nam áp đặt một tỷ lệ chuyển giao công nghệ nhất định đối với doanh nghiệp FDI. Hy vọng về việc hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ, vì thế được đặt lên vai của chính quyền các địa phương - chủ thể có thể đàm phán trực tiếp với các doanh nghiệp FDI trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, vị thế thương lượng ngay từ đầu đã không cân bằng. Một địa phương nghèo sẽ cần một “ông lớn” FDI hơn để đảm bảo nguồn thu ngân sách, trong khi doanh nghiệp FDI lại có nhiều sự lựa chọn hơn để mặc cả. Trong trường hợp Samsung, các tỉnh ở gần Hà Nội hoặc có đường cao tốc gắn với sân bay Nội Bài đều sẽ được tính đến (để tiện cho xuất khẩu). Trong khi “gà đẻ trứng vàng” chỉ có một, thì lại có nhiều hơn một tỉnh muốn “đón gà về tổ”.
Rốt cuộc thì các địa phương bắt đầu lao vào một “cuộc đua xuống đáy” khi thi nhau đưa ra các ưu đãi về nhà xưởng, đất đai, điện, thuế… Dĩ nhiên doanh nghiệp FDI sẽ có những cam kết về tỷ lệ nội địa hóa, về việc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng… Nhưng trong khi giảm thuế hay giảm tiền thuê đất là những lợi ích có thật, thì “hỗ trợ doanh nghiệp nội địa” như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào doanh nghiệp FDI. Cũng thật khó đo lường kết quả của hành động “hỗ trợ” nếu như không có một mục tiêu cụ thể nào được hai bên cùng cam kết.
Vấn đề chính sách này đã được nhận diện trong Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp: “Chính sách thu hút FDI chưa có định hướng thu hút các công ty nước ngoài có thể lan tỏa công nghệ một cách phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu công nghiệp của quốc gia, đồng thời phân cấp thẩm quyền cấp phép các dự án FDI không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay”.
Một cách tích cực, có thể kỳ vọng Luật Phát triển công nghiệp sẽ có những quy định rõ ràng hơn về chính sách thu hút FDI, qua đó có thể làm rõ hơn khuôn khổ đàm phán, chủ thể đàm phán và nội dung đàm phán trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Để có thể phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đạo luật này dự định sẽ đưa ra một số giải pháp chính sách như: (1) Quy phạm hoá các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng có tính ràng buộc. (2) Hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ… đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. (3) Ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đổi lại các điều kiện về chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất, tỷ lệ nội địa hoá... (4) Ưu đãi, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp ưu tiên như điện tử, cơ khí, dệt may, da-giầy, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn. Ưu đãi hỗ trợ một số công nghệ gia công cơ bản như rèn, dập, hàn, đúc, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da… |
Có thể bạn quan tâm
Ngoài thuế, công nghiệp hỗ trợ ô tô cần kết nối
01:00, 14/05/2021
Oppo liệu có thể là “chú ngựa ô” trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc?
05:00, 13/05/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Không để dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp"
19:09, 12/05/2021
Đà Nẵng diệt khuẩn một khu công nghiệp vì có ca nhiễm COVID-19
12:59, 12/05/2021