PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Khi nghệ sĩ PR “thượng vàng hạ cám”
Dù các loại tiền ảo không được công nhận tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đã liên tục đưa ra khuyến cáo về việc lừa đảo, thế nhưng, nhiều nghệ sĩ lại “vô tư” PR trá hình trên mạng xã hội…
Những ngày qua, trang cá nhân của một số người nổi tiếng ở Việt Nam như Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh... đăng bài viết nhắc đến Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa. Đáng chú ý, những dòng trạng thái của hầu hết các nghệ sĩ này đều theo kiểu "copy - paste".
Các chuyên gia cho rằng đây là chiến dịch quảng cáo nhằm kêu gọi đầu tư tiền mã hóa tập trung vào FXT Token, một sân chơi nhiều “cạm bẫy”. Theo đó, tiền ảo FXT Token được lưu hành theo phương thức đa cấp hứa hẹn lãi suất khủng hàng ngày. Tuy nhiên gần đây, đồng tiền ảo này đã bị đóng trên sàn Lion Group, hàng trăm nghìn người đã phải rơi nước mắt khi cả vốn lẫn lãi dường như “không cánh mà bay”.
Sự vụ này đã được Công an TP Đà Nẵng cảnh báo từ hồi đầu tháng 2 và nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc. Gần đây, sàn đa cấp của Lion Group đã vô hiệu hóa khả năng rút tiền của người tham gia.
Ông Ngô Tân - một nhà đầu tư đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tại Hà Nội cho rằng, việc này phải "có ý đồ" vì đã tận dụng sự trỗi dậy của các đồng coin hệ động vật để quảng bá rầm rộ trở lại đồng FXT.
"Những nghệ sĩ này có thật sự đầu tư vào các đồng coin đó, nhất là FXT hay không? Có am hiểu về thị trường tiền ảo hay không? Tôi nghĩ rằng không vì những dòng trạng thái họ đăng giống nhau 100%. Vậy nguồn đến từ đâu, ai là người thuê đăng các dòng trạng thái này. Có phải là nhà cái muốn quảng bá để hốt cú chót không? Nếu vậy thì trách nhiệm cá nhân của những nghệ sĩ này thế nào" - ông Ngô Tân nói.
Tuy nhiên, ngay sau khi bị lật tẩy, các nghệ sĩ và nhân vật showbiz kể trên đã nhanh chóng gỡ bỏ nội dung. Song thực tế vẫn là thực tế, những mẫu quảng cáo trá hình của họ, với lượng người theo dõi từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí lượng người hâm mộ ngoài đời còn nhiều hơn, đã có tác dụng lan tỏa những nội dung nhằm “lùa gà” vào dự án đang bị cảnh báo lừa đảo một cách nhanh chóng.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, Internet giúp việc doanh nghiệp thuê nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ mạng xã hội, người dùng mới có thể dễ dàng lên tiếng trước những hành động quảng cáo "vô trách nhiệm" của một số nghệ sĩ.
"Nghĩ theo hướng tích cực, việc những bài quảng cáo sàn coin đa cấp đồng loạt bị phản ứng giúp công chúng nhận thức tốt hơn về một bộ phận nghệ sĩ vô trách nhiệm với lời nói, hành động của họ", ông Long chia sẻ.
Ngay sau khi bài quảng cáo đầu tư tiền mã hóa của nghệ sĩ xuất hiện, khán giả và cộng đồng đầu tư coin đã đồng loạt chia sẻ, cảnh báo mọi người về dấu hiệu bất thường của các bài viết.
“Tuyệt đối không nghe theo một số nghệ sĩ kêu gọi chơi coin. Họ đang lợi dụng xu hướng đầu tư Dogecoin, Shiba Inu rồi đăng bài tỏ ra hiểu biết, dụ mọi người chốt theo danh sách coin mà họ đưa ra”, một fanpage lớn với hơn 1 triệu lượt theo dõi đã cảnh báo về bài đăng FXT Token của một số nghệ sĩ.
Cần phải nói, pháp luật Việt Nam tới thời điểm này không công nhận các loại tiền ảo và cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán, đồng thời cũng cấm phát hành, cung ứng. Như vậy, tiền ảo đang bị cấm kinh doanh, sử dụng để thanh toán trên thị trường hiện nay.
Qui định luật pháp cũng có những điều khoản điều chỉnh về loại sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo. Cụ thể, theo văn bản hợp nhất Luật Quảng cáo Số 47/VBHN-VPQH ban hành ngày 10/12/2018 (sau khi điều chỉnh, bổ sung đối với Luật Quảng cáo năm 2013), qui định “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo” gồm có những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo qui định của pháp luật (Điều7, Khoản 1).
Còn tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo, việc vi phạm qui định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo (Điều 50, Khoản 1).
Tất nhiên đó mới chỉ là khoản phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, cụ thể là hành vi quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ bị cấm kinh doanh theo qui định của pháp luật.
Song còn một hệ lụy, thậm chí dẫn đến hậu quả còn lớn hơn, đó là từ các nội dung quảng cáo trá hình nhằm “lừa đảo”, “lùa gà” của những nghệ sĩ, nhân vật showbiz có thể khiến nhiều người mất tiền mất bạc cho mạng lưới tiền ảo đa cấp.
Đáng nói, đây không phải lần đầu gây tranh cãi với những bài đăng quảng bá sản phẩm kém chất lượng của một số nghệ sĩ. Trước khi xuất hiện loạt bài quảng cáo đầu tư coin, nhiều nghệ sĩ thường xuyên PR “thượng vàng hạ cám”, livestream bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hoặc phóng đại công dụng.
Hào quang mang lại kim tiền là chuyện dĩ nhiên nhưng thật vô nghĩa khi chủ nhân của nó tiếp tay PR, quảng cáo một cách vô trách nhiệm cho các loại thuốc - vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dùng.
Quan ngại hơn, những loại tiền ảo mà bản thân của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, am hiểu thị trường và dù có kiến thức vẫn còn bao phen “lên bờ xuống ruộng”, thì các nghệ sĩ nhà ta liệu đủ sức để nói về lĩnh vực này hay không?
Và phải chăng, do chưa có nhân vật nào phải chịu trách nhiệm cho những quảng cáo thiếu trách nhiệm của mình, nên chiêu thức dùng giới showbiz, nghệ sĩ để “lùa gà vào chuồng” vẫn tiếp tục được sử dụng một cách thịnh hành trên mạng xã hội.
Có thể bạn quan tâm