“Doanh nghiệp muốn được nhận hỗ trợ thì lên tivi”
Các chuyên gia nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã rất đuối sức, tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn rất khó tiếp cận.
Theo báo cáo của Chính phủ, 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 tại Việt Nam và các nước trên thế giới đang có những diễn tiến phức tạp. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19 là điều vô cùng quan trọng.
Trước khi đưa ra kiến nghị về các giải pháp chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới, nhìn lại chính sách hỗ trợ năm 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, chính sách hỗ trợ người lao động hay vay để trả lương cho người lao động thất nghiệp thì đến tháng 10/2020 không có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
“Rất nhiều doanh nghiệp trả lời là muốn hỏi những chính sách hỗ trợ thì lên tivi. Các hiệp hội du lịch đã trả lời, kể cả những thị trường du lịch lớn như TP HCM thì để các hướng dẫn viên du lịch tiếp cận được chính sách này thì cũng hầu như không có”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Nhưng, theo ông Tuấn, một số chính sách đi vào cuộc sống ngay, như giảm lệ phí trước bạ 50%. “Ở đây có sự ngược đời là chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thì đi vào cuộc sống chậm, nhưng chính sách hỗ trợ người có tiền để mua ô tô thì lại rất nhanh. Tất nhiên, việc này cũng có yếu tố rất tích cực là thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô rất tiềm năng”, ông Tuấn chỉ ra nghịch lý.
Có cần gói hỗ trợ kinh tế lần 3?
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu con số 5 tháng vừa rồi, doanh nghiệp ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể tăng 20,7%, rồi doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%.
"Số lượng đó tăng càng ngày càng cao, tức là một năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng đu xà, tưởng là đến giai đoạn này là xong nhưng mà dịch lại bùng phát và nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm và mỏi là buông tay thôi. Con số này cho thấy những ông yếu đã buông hết rồi, giờ còn những người khỏe hơn vẫn cố nhưng nếu chỉ 3 tháng nữa hoặc một vài đợt dịch nữa mà không kiểm soát tốt thì buông hết" - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, đây là vấn đề cần phải bàn tính để tính xem gói hỗ trợ tới đây thế nào.
Ông băn khoăn, nước Mỹ trong bối cảnh tình hình đã tốt lên khi có vắc xin, tiêm rộng rãi trong toàn dân rồi mà còn tung ra những gói kích thích trị giá gấp 3 gói cũ. Điều đó cho thấy tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp vô cùng lớn.
"Tôi cho rằng giai đoạn tới số doanh nghiệp buông còn rất nhiều và như thế số nợ xấu trên bảng của ngân hàng thì đẹp nhưng thực tế còn xấu nhiều lắm vì họ cũng còn rất nhiều cách để báo cáo. Cần ghi nhận đúng thực lực của doanh nghiệp" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Nhấn mạnh sức khỏe của doanh nghiệp trên thực tế nghiêm trọng hơn số liệu tại báo cáo, ông Tuấn cho rằng, cần tìm hiểu sâu hơn và có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc khoanh nợ. Ông đề nghị, khoanh nợ để doanh nghiệp, nhà đầu tư "quên" chỗ đó đi đã, để có thể tồn tại, phát triển được, sau đó sẽ quay lại tính đến khoản được khoanh.
Có thể bạn quan tâm