“Địa phương hóa” hồ sơ mời thầu
Xoay quanh câu chuyện “cài cắm” tiêu chí hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, dư luận đặc biệt quan ngại khi thực trạng “địa phương hóa” hồ sơ mời thầu (HSMT) ngày một phổ biến…
Mặc dù đa phần các gói thầu đều là được tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thế nhưng, không ít gói thầu lại đưa vào HSMT các tiêu chí nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp thân hữu, “sân sau” làm méo mó hoạt động đấu thầu, xấu đi môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là tính cạnh tranh, công bằng, bình đẳng giữa các nhà thầu cùng dự thầu.
Hiện trạng đáng báo động…
Câu chuyện cài cắm tiêu chí trong HSMT không phải câu chuyện mới, thế nhưng, việc các gói thầu gia tăng tiêu chí “địa phương hóa” để chọn nhà thầu diễn ra ngày một phổ biến và trở thành tiêu chí tất yếu trong các gói thầu khiến tính cạnh tranh, bình đẳng trong hoạt động đấu thầu ngày một giảm sút.
Như tại 2 gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước làm bên mời thầu, HSMT 2 gói thầu này yêu cầu nhà thầu phải có kho tập kết vật tư, thiết bị tại thị xã Phước Long với tổng diện tích kho trên 300 m2 (nhà thầu có thể sở hữu hoặc đi thuê). Trường hợp đi thuê, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiện diện tích kho trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo hợp đồng thuê mướn có xác nhận của cơ quan phường, xã tại địa phương. Giấy tờ để chứng minh kho có chứng thực của cơ quan thẩm quyền thời hạn không quá 10 ngày tính đến thời điểm đóng thầu.
Hạy tại gói thầu Cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Trường Mầm non Phường 5 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bên mời thầu, HSMT gói thầu này yêu cầu nhà thầu phải có trung tâm bảo hành ủy quyền cho sản phẩm chào thầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc ký hợp đồng ủy quyền bảo hành đối với một đơn vị tại Bà Rịa - Vũng Tàu có chức năng kinh doanh phù hợp với sản phẩm chào thầu, có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu.
Kết quả được công bố của các gói thầu đã nêu đều về tay các doanh nghiệp “quen mặt” tại địa bàn, còn các nhà thầu ở địa phương khác đều “trượt chân” vì không đáp ứng được các tiêu chí “địa phương hóa” đã nêu.
Chế tài có như không?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt cho biết: khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, hiện tượng các chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu và nhà thầu thông đồng với nhau đưa các tiêu chí không phù hợp vào HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC) vẫn tồn tại và ngày một phổ biến.
“Cụ thể HSMT, HSYC không được yêu cầu quy mô, tính chất hợp đồng tương tự không phù hợp như hợp đồng tương tự phải của một chủ đầu tư cụ thể; ở một địa bàn, vùng miền cụ thể nào đó; khu biệt tính chất tương tự để hướng tới một sản phẩm, một nhà thầu nào đó…”, Luật sư Luân chia sẻ
Theo Luật sư Luân, việc đưa ra các yêu cầu như nội dung PV trao đổi là không phù hợp với quy định của Nghị định số 63, các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mẫu HSMT, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trước đó, liên quan đến những thực trạng đã nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Trong đó nêu rõ, tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được.
Vậy tại sao những tiêu chí “địa phương hóa” vẫn tồn tại trong HSMT như đã nêu? Liệu chế tài có rơi vào hiện trạng có như không?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh:
Thực tế xảy ra không ít hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, song hàng năm, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm rất ít. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, vụ việc liên quan đến đấu thầu cho thấy, ít chủ đầu tư, bên mời thầu bị xem xét, xử lý khi để xảy ra các sai phạm trong đấu thầu, các yêu cầu gây khó dễ, cản trở nhà thầu tham gia đấu thầu, xảy ra nhưng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, không tạo ra sức mạnh răn đe, thậm chí nhiều chủ đầu tư biết sai mà vẫn làm.
Ông Lê Văn Tăng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Không tự dưng có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Cần gắn trách nhiệm khi để xuất hiện những “vết sạn”, những tiêu chí bất thường trong HSMT cho chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu tư vấn lập HSMT và đơn vị thẩm định, phê duyệt HSMT. Để chữa được bệnh “cài cắm” trong HSMT, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cấp có thẩm quyền phải mạnh tay thực thi các chế tài xử lý với các hành vi vi phạm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt HSMT. Thời gian qua, nhiều vụ việc, sai phạm trong tổ chức lựa chọn nhà thầu xảy ra trong quá khứ đã được đưa ra xử lý, một số cá nhân liên quan đã bị khởi tố, điều tra. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị liên quan trước những hệ lụy, hậu quả có thể xảy ra khi không chấp hành quy định của pháp luật về đấu thầu.