"2% doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ"
Đánh giá cao việc duy trì tăng trưởng trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, song nhiều ý kiến băn khoăn việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng còn triển khai chậm.
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng 15/6.
Thông tin khái quát tình hình, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,8%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 55,5% dự toán - tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020.
“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên mức tích cực”, ông Dũng nhấn mạnh.
Song, điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang triển khai rất chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao ý nghĩa của chính sách, nhưng ông nhận định việc triển khai “chưa đạt hiệu quả mong muốn”. Cụ thể, có những gói hỗ trợ mới chỉ triển khai được 0,26% quy mô.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.
“Theo thống kê có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ, do đó cần phải xem xét đánh giá lại”, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin.
Cũng chung nhận định gói hỗ trợ 62.000 tỷ là quan trọng, nguồn lực lớn nhưng chưa đạt mục tiêu, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ nêu rõ hướng xử lý vấn đề này.
Trước thực tế trên, các ý kiến đề nghị cần rà soát lại vì ngoài những chính sách đang hỗ trợ thì còn đang có những chương trình liên quan đến phòng, chống COVID-19 nên phải tính toán để các đối tượng khó khăn bị thiệt hại được hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”: TP HCM mở gói hỗ trợ lần 2
11:04, 06/06/2021
Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ III): “Hiệu đính” các gói hỗ trợ
11:30, 31/05/2021
115.000 tỷ đồng gói hỗ trợ lần hai: Ưu đãi thuế cần tránh cào bằng
04:00, 18/05/2021