Quy định quảng cáo làm khó doanh nghiệp nội

HUYỀN TRANG 30/06/2021 11:00

Dù mới đi vào thực hiện chưa đầy một tháng nhưng Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã nhận không ít ý kiến phản đối..

 Quy định mới về quảng cáo gây khó cho doanh nghiệp truyền thông nội, trong khi các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, FaceBook… lại không chịu ràng buộc.p/(Ảnh chụp màn hình quảng cáo trên Youtube)

Quy định mới về quảng cáo gây khó cho doanh nghiệp truyền thông nội, trong khi các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, FaceBook… lại không chịu ràng buộc. (Ảnh chụp màn hình quảng cáo trên Youtube)

Hiệp hội Quảng cáo vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho rằng, việc áp dụng Nghị định 38/NĐ-CP tới đây với nhiều nội dung thiếu thực tế, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Gặp khó với "không vượt quá 1,5 giây"

Khoản 2 Điều 38 Nghị định này quy định phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo và trang thông tin điện tử vượt quá 1,5 giây. Quy định này có nghĩa là chỉ cho phép thời lượng quảng cáo là 1,5 giây, sau đó người xem có thể nhấn nút “bỏ qua”.

Trên thực tế, quy định này là dễ cho việc quản lý, nhưng lại gây khó cho doanh nghiệp truyền thông nội , trong khi các nền tảng xuyên biên giới như Youtobe, FaceBook… lại không chịu ràng buộc nào.

Ông Lê Thanh Tâm – Tổng giám đốc IDG ASEAN và Việt Nam thừa nhận việc một số đơn vị truyền thông thiếu uy tín lạm dụng, để thời gian chờ tắt quá dài lên đến 30 giây gây ức chế cho người xem. Ông Tâm cho rằng, quản lý việc này để nâng cao chất lượng là cần thiết nhưng không có nghĩa là hạn chế thời gian quảng cáo quá ngắn ở mức 1,5 giây như vậy.

Chưa kể, trong 1,5 giây, người xem không thể kịp nhận diện đó là nội dung gì. Doanh nghiệp muốn quảng cáo cũng không kịp truyền tải thông điệp. Trong khi đó, ở góc độ của đơn vị cho thuê địa điểm quảng cáo – là các báo và trang tin điện tử, việc chớp một khung nội dung lên màn hình chỉ trong 1,5 giây sẽ làm rối thêm trang báo, tin tức.

Đồng quan điểm, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho biết, với 1,5 giây thì không đủ chuyển một thông điệp nào đó đến người xem. Và như vậy người xem sẽ không tiếp nhận được thông tin mà họ cần để quyết định xem tiếp hay bỏ qua.

Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam

Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam

“Những mạng xã hội như Google hay Facebook đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý người xem để họ đưa ra thời gian tắt hoặc mở quảng cáo. Các nghiên cứu tâm lý người xem chỉ ra rằng với thời gian tắt hoặc mở quảng cáo 5 – 6 giây sẽ làm cho người xem chấp nhận được. Nếu thời gian tắt hoặc mở quảng cáo dài quá sẽ khiến người xem quảng cáo ức chế và ghét bỏ. Như vậy, hiệu quả quảng cáo sẽ không được như mong muốn. Nhưng nếu thời gian tắt hoặc mở quảng cáo dưới 5 giây sẽ không đủ cho các đơn vị quảng cáo truyền tải thông điệp ngắn của mình đến người xem. Rõ ràng những điều khoản đưa ra cần phải nghiên cứu kỹ”, ông Hải phân tích.

Cơ quan truyền thông sẽ ngày càng teo tóp

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết đã gửi văn bản lên các cơ quan chức năng để sớm đề xuất Chính phủ cho sửa đổi Luật Quảng cáo, tạo hành lang pháp lý cho ngành báo chí truyền thông và quảng cáo được hoạt động thuận lợi.

“Luật Quảng cáo này đã thực thi gần 10 năm nay nhưng chưa áp dụng phạt cơ quan báo chí nào cả. Nghị định 38 đã cụ thể hóa và có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây đang bất cập. Nếu không phạt cơ quan báo chí thì vi phạm luật, nhưng áp dụng chế tài phạt thì gây khó khăn cho cơ quan báo chí”, ông Sơn nói.

Theo chủ tịch một tập đoàn truyền thông, đến một ngày nào đó, quyền lợi của bạn đọc sẽ không được đảm bảo nữa tại vì các cơ quan truyền thông sẽ không sống được trong tình trạng nguồn thu duy nhất của họ ngày càng bé lại. Quy định trên sẽ khiến các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông nội khó khăn trong việc cạnh tranh với nền tảng xuyên biên giới.

“Bây giờ họ không quảng cáo được trên các cơ quan báo chí nữa thì họ sẽ tìm đến các kênh khác như website phi chính thống có từ rất nhiều nguồn, thậm chí có website có nguồn gốc từ nước ngoài, các mạng xã hội xuyên biên giới, các OTT xuyên biên giới... hiện nay đang bùng nổ rất mạnh và đang cạnh tranh với chính các cơ quan báo chí”, vị chuyên gia này nói.

Nhu cầu quảng cáo trên không gian số đang ngày càng lớn và ước tính tiếp tục tăng trưởng 2 số 0 trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, gần 80% thị phần Việt Nam hiện nằm trong tay các mạng quảng cáo nước ngoài. Nếu tiếp tục được thực thi Nghị định 38, 1/5 miếng bánh còn lại dành cho các cơ quan truyền thông trong nước sẽ tiếp tục ngày càng teo tóp lại.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch tập đoàn truyền thông Le Group:

Người đọc có quyền chặn quảng cáo. Họ có thể từ chối đọc, xem một kênh báo chí quá nhiều quảng cáo. Họ cũng có cả quyền không trả tiền cho người làm nội dung nếu không thích. Nhưng báo chí và doanh nghiệp thì không được pháp luật bảo hộ những quyền tương tự. Việc áp dụng Nghị định 38 sẽ là bước lùi trong tiến trình đổi mới sáng tạo truyền thông theo xu hướng chung của thế giới.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật:

Điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021 quy định, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử và trang thông tin điện tử quá 1,5 giây. Thời gian tắt, mở quảng cáo trong 1,5 giây là "quá ngắn và không phù hợp thực tiễn". Quy định trên lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo.

HUYỀN TRANG