Văn bản kém chất lượng - Bài 5: Bộ ngành thiếu cầu thị, tiếp thu

GIA NGUYỄN 02/07/2021 04:30

Mặc dù khi đi vào áp dụng trong thực tiễn tạo ra nhiều hệ lụy, thế nhưng, về sự cầu thị, tiếp thu của các bộ ngành vẫn đang là một trong những thực trạng khiến dư luận vô cùng quan ngại…

Liên quan đến thực trạng văn bản kém chất lượng, ngoài những hệ lụy, thiệt hại doanh nghiệp đã và đang hứng chịu bấy lâu nay thì câu chuyện về sự tiếp thu, cầu thị của các bộ ngành sau ban hành văn bản vẫn khiến các tổ chức, Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và dư luận vô cùng quan ngại.

Tại hội thảo trực tuyến "Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/6, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cũng từng nhận định, nguyên nhân khiến văn bản pháp luật kém chất lượng là do năng lực, thiếu cơ chế giám sát tiếp thu pháp lý, gác cửa, tạo niềm tin huy động tham gia các bên…

Bên cạnh những văn bản quy phạm kém chất lượng thì vấn đề cầu thị, tiếp thu của các bộ ngành cũng khiến dư luận quan ngại - Ảnh minh họa

Bên cạnh những văn bản quy phạm kém chất lượng thì vấn đề cầu thị, tiếp thu của các bộ ngành cũng khiến dư luận quan ngại - Ảnh minh họa

Thực tế, vấn đề bà Thảo đưa ra là câu chuyện bất cập, nhức nhối bấy lâu nay, trong đó, không ít văn bản sau khi có sự cầu thị, tiếp thu, một là “chết yểu”, hai là gấp rút sửa đổi, bổ sung… Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị có trách nhiệm, thì vẫn còn đó những… tồn tại.

Trở lại những nội dung thông tin đã nêu, bên cạnh sự “cong – vênh” của các văn bản so với những văn bản quy phạm pháp luật khác thì Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018, Thông tư 15/2018 về “kiểm dịch” đối với các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thực trạng văn bản kém chất lượng. Không chỉ “vênh” nghị định, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, văn bản này còn nhiều năm liền đi ngược lại với nghị quyết của Chính phủ.

Cụ thể Danh mục hàng phải “kiểm dịch” theo quy định tại các thông tư đã nêu là rất rộng, các container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra 100% (hồ sơ, cảm quan) dù là nhập cho mục đích gì (gia công hàng xuất khẩu, hay tiêu dùng nội địa) và có lịch sử ra sao; việc lấy mẫu kiểm nghiệm áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô/năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa.

Theo số liệu công bố của Dự án TFP tại Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT (về mã H/S hàng hoá phải kiểm tra nhập khẩu) ngày 25-26/01/2021, thì tính đến tháng 10/2019, tổng số mặt hàng thuộc diện quản lý kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam (13 Bộ) là 70.087 mặt hàng, trong đó Bộ NN&PTNT là 57.562 mặt hàng, chiếm 82,13% tổng số.

Liệu đã đến lúc cần thay đổi tư duy làm chính sách? - Ảnh minh họa

Liệu đã đến lúc cần thay đổi tư duy làm chính sách? - Ảnh minh họa

Cũng theo thống kê và công bố của TFP, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp, năm 2017: chỉ 4 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%; năm 2018: chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%; năm 2019: 0 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%. Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay.

Thực trạng trên khiến Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan ngại, khi đây là yếu tố làm giảm đi năng lực cạnh tranh của ngành, của quốc gia, chi phí (thời gian, cơ hội…) là rất lớn.

Đáng nói, những văn bản quy phạm này còn là “mấu chốt” khiến cho nhiều yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã không được thực hiện như mong đợi. Cụ thể, tại các Nghị quyết thường niên của Chính phủ từ Nghị quyết số 19/2016 đến Nghị quyết số 02/2020 đều yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm;…

Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên định thì thành quả của các văn bản này đạt được là sự gia tăng về Danh mục hàng phải “kiểm dịch” và thứ hạng 16/17 bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Vì sao sau 5 Nghị quyết đều giao Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi mà đơn vị này không làm? Và làm không được?

Bên cạnh thực trạng đã nêu, một điểm bất hợp lý nữa là tình trạng chậm sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh, chẳng hạn như quy định kiểm tra an toàn mặt hàng thang máy, thang cuốn trước thông quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải mất tới 3 năm mới chỉnh sửa thành kiểm tra sau thông quan (từ năm 2018 đến tháng 4/2021). Đặc biệt, theo VCCI, có doanh nghiệp gửi yêu cầu suốt 10 năm ròng nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Liệu đã đến lúc có những đổi thay trong việc làm chính sách?

Bài 6: “Đừng soạn thảo chính sách theo tư duy lối mòn”

Có thể bạn quan tâm

  • Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật

    Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật

    04:30, 01/07/2021

  • Văn bản kém chất lượng - Bài 3:

    Văn bản kém chất lượng - Bài 3: "Ám ảnh" công văn hướng dẫn

    04:30, 30/06/2021

  • Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 2:

    Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 2: "Cong" với nghị định - "Vênh" giữa các bộ

    04:50, 29/06/2021

  • Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 1: Thông tư

    Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 1: Thông tư "đá" luật

    04:00, 28/06/2021

GIA NGUYỄN