Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan

HUYỀN TRANG 17/07/2021 11:06

Dù đã có nhiều cải thiện, song những quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vẫn khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp các quy định về thủ tục hải quan còn khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

 Doanh nghiệp đề xuất áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn, giảm việc phải đến làm thủ tục thông quan trực tiếp tại các chi cục.p/Ảnh: Quốc Tuấn

Doanh nghiệp đề xuất áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn, giảm việc phải đến làm thủ tục thông quan trực tiếp tại các chi cục. Ảnh: Quốc Tuấn

Mã HS là nỗi lo lớn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh doanh nghiệp còn gặp tương đối nhiều khó khăn khi xác định mã số HS hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan.

“Đối với thủ tục kiểm tra, xác định mã số HS, doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn ở giai đoạn trước khi khai hải quan. Khác với các giai đoạn khai hải quan, trong thông quan và sau thông quan, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn ở giai đoạn trước khi khai hải quan để xác định mã số HS không những không giảm so với kết quả năm 2018 mà còn tăng lên trong năm 2020. Trong khi đó, đối với thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan, giai đoạn khai hải quan và trong thông quan lại thường phát sinh khó khăn đối với doanhnghiệp. Ở các giai đoạn này của thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan, kết quả khảo sát năm 2020 không cho thấy sự cải thiện đáng kể nào so với năm 2018”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Phan Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết các thủ tục hành chính, các quy định về mã HS vẫn là nỗi lo lớn cho doanh nghiệp.

“Đôi khi, do cách hiểu và các áp dụng mã HS giữa các cơ quan khác nhau nên gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc cơ quan hải quan bất ngờ thay đổi mã HS cũng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng dở khóc, dở cười. Điển hình cho câu chuyện này chính là câu chuyện về các doanh nghiệp gỗ ghép thanh mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trong thời gian qua”, bà Thảo nhấn mạnh.

Tốn thời gian và chi phí

Đáng nói, cũng theo bà Thảo, hiện nay trong số 218 thủ tục hải quan được kết nối với cơ chế một cửa quốc gia thì hầu hết chỉ là kết nối chứ vẫn phải làm thủ tục giấy. Đặc biệt trong lĩnh vực kiểm dịch. Các quy định này khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu do VCCI vừa công bố cho thấy doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan.

“So với năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp không trả chi phí ngoài quy định đã tăng nhẹ từ mức 55,6% lên mức 56,1%. Khoảng 22,6% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi trả chi phí ngoài quy định và 21,3% doanh nghiệp từ chối cung cấp thông tin”, báo cáo nhấn mạnh.

Tương tự, một bất cập khác trong việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng được ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chỉ ra đó là vẫn còn tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành. “Tình trạng này khiến doanh nghiệp rất tốn thời gian và chi phí bởi doanh nghiệp phải xin phép quá nhiều nơi”, ông Trung nhấn mạnh.

Cần thay đổi cách quản lý

Để khắc phục tình trạng này, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì thay đổi quan trọng nhất chính là cách quản lý của các bộ.

“Đa số doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan, bộ ngành sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Đối với riêng các cơ quan Hải quan, ông Tuấn cho biết cộng đồng doanh nghiệp đề nghị các cơ quan Hải quan đơn giản hóa các loại chứng từ, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn với các thủ tục xác định mã HS và tham vấn xác định trị giá hải quan.

“Doanh nghiệp cũng đề xuất áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đến làm thủ tục thông quan trực tiếp tại các chi cục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn việc cung cấp thông tin, hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp được chú trọng hơn và thực hiện hiệu quả hơn với đội ngũ chuyên trách để tư vấn và cập nhật thường xuyên thông tin”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của VCCI, năm 2020 có khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin TTHC xuất nhập khẩu, giảm mạnh so với tỷ lệ 54% của năm 2015.

Khi gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp thường tìm sự trợ giúp trước tiên từ các Chi cục Hải quan, sau đó là Cục Hải quan tỉnh/thành phố, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với việc giải đáp vướng mắc tại các Chi cục và Cục Hải quan tỉnh/thành phố lần lượt là 74% và 72%, tiếp đến là của Tổng cục Hải quan (63%). Tỷ lệ hài lòng với những đơn vị còn lại không có khác biệt nhiều, với tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng ở khoảng 62%. Các giá trị này đều có sự cải thiện so với kết quả khảo sát của năm 2018.

HUYỀN TRANG