Quản lý ngoại hối “cản lối” đầu tư nước ngoài
Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trong hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước đang đặt ra những hạn chế nhất định cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Mua bán sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra mạnh trên toàn cầu và có tác động lớn tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều giao dịch mua bán doanh nghiệp giữa các tập đoàn, công ty nước ngoài diễn ra ở nước ngoài nhưng có liên quan đến cơ sở đầu tư của họ ở Việt Nam.
Quy định cứng nhắc
Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi năm 2013 quy định, “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)”.
Việc các bên ghi giá trị của giao dịch bằng đồng Việt Nam cùng với giá trị tương đương bằng ngoại tệ trong các thoả thuận, theo đó, đều không được phép thực hiện. Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn các trường hợp cho phép sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không đề cập tới trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty Việt Nam.
Nhằm củng cố thêm các quy định vốn đã nghiêm ngặt về việc sử dụng ngoại tệ tại Việt Nam, Thông tư 06/2019/TT-NHNN của NHNN quy định: “Việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa người cư trú và người không cư trú, giữa người cư trú với nhau phải thực hiện bằng đồng Việt Nam”.
Tuy nhiên, có thể thấy quy định này còn thiếu rõ ràng khi không thể hiện rõ liệu các hành vi khác được liệt kê tại quy định của pháp lệnh ngoại hối như “niêm yết, báo giá, ghi giá trong hợp đồng” đối với giao dịch có thể được thực hiện bằng ngoại tệ hay không.
Nhà đầu tư gặp khó
Luật Đầu tư 2005, 2014 và tới nay là 2020 đều quy định quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong việc chuyển vốn đầu tư vào lãnh thổ Việt Nam thông qua hoạt động mua bán cổ phần, phần vốn góp tại các công ty đang hoạt động trên thị trường. Theo đó, khoản đầu tư có thể được thực hiện bằng tiền và/hoặc tài sản, và hiện nay pháp về luật đầu tư cũng không cấm việc sử dụng ngoại tệ để thực hiện các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài. Thêm vào đó, các biểu mẫu được quy định nhằm thực hiện các thủ tục đầu tư cũng yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thông tin liên quan đến giá trị khoản vốn góp bằng đồng Việt Nam và giá trị bằng ngoại tệ tương đương.
Khi thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không gặp khó với những quy định về quản lý ngoại hối. Việc góp vốn vào doanh nghiệp được thành lập mới có thể thực hiện bằng ngoại tệ, và trên các giấy chứng nhận đăng ký về doanh nghiệp, đầu tư sẽ ghi nhận khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá do nhà đầu tư xác định tại thời điểm nộp hồ sơ cùng với giá trị tương đương bằng ngoại tệ.
Trong trường hợp có sự thay đổi, chênh lệch về tỷ giá hối đoái giữa thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm thực hiện việc chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư sẽ được ghi nhận và thể hiện khoản chênh lệch đó trong hệ thống sổ sách kế toán. Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam cũng cho phép giải ngân các khoản đầu tư theo thông tin được ghi nhận tại giấy phép đầu tư.
Nếu thoả thuận mua bán cổ phần, phần vốn góp được pháp luật cho phép ghi giá bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam kèm giá trị tương đương bằng ngoại tệ, thì khoản đầu tư sẽ được thực hiện tương tự như với việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Trong trường hợp các thoả thuận chuyển nhượng chỉ được ghi giá bằng đồng Việt Nam, các cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư sẽ chỉ có căn cứ để ghi nhận khoản vốn góp trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo một đơn vị tiền tệ duy nhất.
Thực tế này sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó trong việc thu xếp nguồn vốn bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tương đương với giá trị đồng Việt Nam được ghi nhận.
LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS TP Hà Nội:
Thông tư số 06/2019 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện được sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp. Đây là những căn cứ để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn và chuyển nhượng vốn vào Việt Nam khá sôi động thời gian gần đây.
LS Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP HCM:
Theo quy định pháp luật hiện hành, mọi hoạt động đầu tư nước ngoài và thu chi bắt buộc phải thông qua một tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng được phép. Trải qua nhiều văn bản hướng dân, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm phân chia ranh giới giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, thay vì cập nhật theo quy định tại Luật Đầu tư.