Luật Phát triển công nghiệp: Tạo cú hích để ngành chế biến, chế tạo phát triển

ĐỖ HUYỀN 22/07/2021 04:00

Bộ Công Thương vừa phát Công văn đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, lấy ý kiến xã hội. Đáng chú ý, đạo luật này sẽ tập trung vào mảng công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Tuy vậy, nhìn chung công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; nước ta đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải quyết công nghiệp hóa quá sớm (thời đại hậu công nghiệp quá sớm) và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thiếu hành lang pháp lý và chế tài mạnh đã khiến cho công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển; và do đó không hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước năm 2020.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thiếu hành lang pháp lý và chế tài mạnh đã khiến cho công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển; và do đó không hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn một sang giai đoạn hai trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn rất thấp; mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”.

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. “Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao”, Tờ trình của Bộ Công Thương nêu rõ.

Tuy nhiên, trước lập luận của Bộ Công Thương, vẫn có ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là không cần thiết và sẽ dẫn đến tình trạng luật chồng luật.

Phản hồi trước những ý kiến trái chiều này, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận rằng đề xuất này chắc chắn sẽ nhiều tranh luận, vì “người ta nói phát triển công nghiệp có nhiều luật rồi, không cần thêm luật nữa”.

Đại diện Cục Công nghiệp khẳng định tư duy của Luật Phát triển công nghiệp khác với các luật về công nghiệp như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Hóa chất,...

Giai đoạn trước, các luật trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam chủ yếu là mang tính chất quản lý nhà nước, chứ không có giải pháp phát triển trong đó. Luật Khoáng sản thiên về quản lý, cấp phép thế nào, Luật Hóa chất, Luật Dầu khí cũng như vậy”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Từ những lập luận trên, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh tư tưởng làm luật phát triển công nghiệp sẽ khác, tức là giảm chức năng quản lý nhà nước tối đa, đồng thời chủ yếu vấn đề thúc đẩy phát triển, tạo điều kiện cho xã hội tham gia vào lĩnh vực công nghiệp. “Luật phát triển công nghiệp hạn chế tối đa việc cấp giấy phép”, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định.

Giải thích thêm lý do cần xây dựng luật này, đại diện Cục Công nghiệp cho biết: Chỉ có luật hóa mới ràng buộc được trách nhiệm địa phương vào việc phát triển công nghiệp cả nước. Hiện nay, Nghị quyết về công nghiệp ban hành nhiều nhưng không có chế tài để thúc đẩy các địa phương thực hiện. Nếu đến thời điểm nào đó, mục tiêu không đạt được thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.  

Vậy chế tài trong luật sẽ được thiết kế như thế nào khi không đạt mục tiêu về phát triển công nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Công nghiệp cho hay sẽ có chế tài xử lý nếu các cơ quan đơn vị không đạt được mục tiêu, cả cá nhân và tập thể, nhưng trách nhiệm cá nhân nhiều hơn.

Để có thể phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đạo luật này dự định sẽ đưa ra một số giải pháp chính sách như:

(1) Quy phạm hoá các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng có tính ràng buộc.

(2) Hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ… đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.

(3) Ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đổi lại các điều kiện về chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất, tỷ lệ nội địa hoá...

(4) Ưu đãi, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp ưu tiên như điện tử, cơ khí, dệt may, da-giầy, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn. Ưu đãi hỗ trợ một số công nghệ gia công cơ bản như rèn, dập, hàn, đúc, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da…

ĐỖ HUYỀN