Vụ Bộ Y tế thu hồi văn bản: “Viên nang Kovir hỗ trợ trị COVID là sản phẩm đi vận động, đi xin về”
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế biết: "Việc khuyến cáo dùng viên nang cứng Kovir có sự nhầm lẫn và đây là sản phẩm được người ta cho, tức đi vận động xin về".
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, ngày 24/6/2021, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế ban hành công văn số 648/YDCT-QLY gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương; Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; Sở Y tế, Bệnh viện YHCT, Viện Y – Dược học dân tộc TP.HCM về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng, nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Nội dung công văn số 648 nêu rõ: “Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)”.
Trong danh sách các sản phẩm kèm theo, có các sản phẩm là viên nang Kovir (cứng và mềm của của công ty CP Sao Thái Dương) và Nobel tăng cường miễn dịch của Công ty CP Sao Thái Dương.
Liên quan đến sản phẩm viên nang cứng Kovir (của công ty CP Sao Thái Dương) “xuất hiện” trong khuyến cáo sử dụng nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 được Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế gửi các tỉnh phía Nam vào ngày 24/6 nhưng theo tìm hiểu thì sản phẩm này sang ngày 25/6 mới được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép công bố sản phẩm.
Điều này khiến dư luận vô cùng thắc mắc với câu hỏi tại sao 1 sản phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được cấp phép lại được khuyến cáo sử dụng trong các đơn vị y tế?
Trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế xác nhận có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Kovir (viên nang mềm, viên nang cứng) trong văn bản.
“Cái này có thể trong quá trình làm có sự nhầm lẫn nào đâu, đây là sản phẩm được người ta cho do đi vận động, đi xin về”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Được biết, trước đó, sản phẩm này đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở nghiên cứu về tác dụng, hiệu quả của sản phẩm này trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, như đã đưa tin ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944 về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong công văn Bộ Y tế liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19, gồm sản phẩm Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
Tuy nhiên, ngay khi công văn được ban hành đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trước một số nội dung chưa phù hợp nên ngày 26/7, Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn này.
Ngày 26/7, trả lời báo chí về danh mục 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID này, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, 12 sản phẩm được nêu trong công văn không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch.
Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành Y tế và một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly.
Tuy nhiên, sau khi công văn ban hành, đơn vị nhận thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định", ông Thịnh nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Vụ giá thuốc “hỗ trợ COVID-19” tăng đột biến: Quản lý thị trường vào cuộc
16:10, 27/07/2021
Văn bản của Bộ Y tế và góc khuất của "lobby chính sách"?
17:54, 26/07/2021
Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc y học cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19
16:44, 26/07/2021