DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới

HUYỀN TRANG (thực hiện) 29/07/2021 03:30

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam khởi động một cuộc cải cách mới, nhất là cải cách thể chế.

Cải cách thể chế cũng là trọng tâm trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Kế hoạch quan trọng này đã được mang ra bàn thảo tại Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra.

-Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng thời điểm hiện tại, chúng ta nên bàn về các giải pháp để chống dịch và giữ tốc độ tăng trưởng hơn là bàn về một cuộc cải cách mang tính chất triệt để, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng, đúng là dịch COVID-19 đang có những diễn tiến phức tạp và tạo nên những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhưng đây chỉ là vấn đề mang tính chất ngắn hạn. Do đó, về lâu dài việc thúc đẩy một cuộc cải cách mới để sẵn sàng nền tảng phát triển cao và bền vững cho nền kinh tế trong 5-10 năm tới là việc phải tính đến ngay từ lúc này.

Thực tế đã chứng minh sau mỗi đợt khủng hoảng, công cuộc cải cách được đẩy lên và tạo ra những bước phát triển mới với tốc độ và chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Ví dụ, sau những khó khăn của nền kinh tế giai đoạn 1997-1998, Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành với tư duy mở cửa mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển đầy thăng hoa.

Hiện nay, chắc chắn phải cần một cuộc cải cách, kế thừa những cải cách đã tiến hành, nhưng đồng thời phát triển thêm. Cái mới của lần cải cách này là nâng chất lượng thể chế và chuyển đổi số. Mục tiêu là hoàn thiện thể chế về thị trường và phân bổ nguồn lực, phát triển ngành nghề mới, phát triển kỹ năng mới.

-Vì sao trọng tâm của cuộc cải cách mới là cải cách thể chế chứ không phải là tiếp tục tinh thần cải cách của các năm trước như cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thưa ông?

Trên thực tế, chất lượng của thể chế và pháp luật quyết định sự thành công của một quốc gia. Trong 5 năm qua (2016 – 2020), Quốc hội đã ban hành được rất nhiều luật, nhưng lại không có một đạo luật nào tạo ra thay đổi đáng kể, như một nền tảng để nhiệm kỳ sau bước lên và tạo ra cải cách tốt hơn.

Về mặt nội dung, các văn bản này cũng chỉ tiếp tục tinh thần cải cách của các năm trước. Trước đây, chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc đưa ra danh mục hạn chế/cấm đầu tư kinh doanh và sau đó là cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng bây giờ, cứ ban hành thêm luật hay nghị định là thêm điều kiện kinh doanh thì rõ ràng có cái gì đó cho thấy chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới. Đó là cái mà tôi cho rằng cần tiếp tục khắc phục.

Nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng đặt ra những điều kiện kiểu xin – cho.

-Vậy, trọng tâm của các cách thể chế trong giai đoạn này sẽ là gì, thưa ông?

Về đột phá thể chế trọng tâm vẫn sẽ là: mở rộng quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ những rào cản, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, chuyển mạnh hơn sang cơ chế hậu kiểm.

Hậu kiểm không có nghĩa là doanh nghiệp cứ làm trước rồi nhà nước kiểm tra sau mà là nhà nước chuyển sang quản lý theo rủi ro và theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Còn mở rộng quyền tự do kinh doanh là không chỉ cho doanh nghiệp được “tự do làm cái gì” mà còn được “tự do làm như thế nào”.

Lâu nay, ta vẫn nhấn mạnh doanh nghiệp phải làm theo quy định. Điều này tạo ra cản trở lớn và rất rủi ro cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải được tự do làm theo cách của mình. Nếu mở được chỗ này, không gian tự do sẽ rất lớn và đảm bảo được sự an toàn trong kinh doanh. Vì nếu doanh nghiệp phải làm theo quy định thì cứ không quy định là doanh nghiệp không được làm, mà làm khác quy định thì có nguy cơ làm sai, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc “vào lò” như chơi”.

-Quyền tự do kinh doanh sẽ được mở rộng như thế nào, thưa ông?

Tôi muốn lấy dẫn chứng về cơ chế thanh tra. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì cơ chế thanh tra theo kế hoạch. Điều này, tôi cho rằng là không đúng.

Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, anh đưa họ vào kế hoạch thanh tra, như thế là đầy rủi ro cho doanh nghiệp. Ta phải thay đổi, trong kinh tế thị trường không có chuyện thanh tra như thế. Bởi nếu lợi ích bị vi phạm, đã có trọng tài, có tòa án, sao lại có một ông vào thanh tra xem tôi có tuân thủ pháp luật không? Thanh tra theo kế hoạch là di sản của kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, ta phải bỏ nó đi. Có như vậy thì hệ thống giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan mới thực sự là dân sự, là kinh tế chứ không phải hành chính như hiện nay.

Về tư duy quản lý nhà nước, đã đến lúc chúng ta thay đổi khái niệm này vì đây là di sản của thời kì quan liêu, bao cấp. Đã là quản lý tức là phải theo thứ bậc, nhà nước ở trên, doanh nghiệp và người dân đứng dưới, đã là quản lý thì nhà nước phải biết người dân, doanh nghiệp đang làm thế nào, nhưng kinh tế thị trường đâu có thế.

Ở kinh tế thị trường, nhà nước can thiệp rất ít mà để thị trường tự giải quyết. Đây là điểm nghẽn về tư duy hiện nay, ta phải giải quyết.

- Xin cảm ơn ông!

Trong giai đoạn 5 năm tới (2021 – 2025), để tạo ra sự thay đổi đáng kể, như một nền tảng, Quốc hội phải sửa đổi Luật Đất đai vì luật này chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tạo ra sự không công bằng. Đây sẽ là luật đầu tiên được sửa đổi để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế.

Nếu như ở nhiệm kỳ trước, đột phá cải cách thể chế đặt trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta đã làm và sẽ tiếp tục làm điều này. Nhưng tới đây, trọng tâm của cải cách thể chế phải là phát triển thị trường nhân tố sản xuất. Nếu Quốc hội và Chính phủ làm tốt được cải cách này thì hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được nâng lên rất nhiều.

Có thể bạn quan tâm

  • Tư duy về một cuộc cải cách mới ở Việt Nam

    Tư duy về một cuộc cải cách mới ở Việt Nam

    12:00, 24/07/2021

HUYỀN TRANG (thực hiện)