Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tạo thêm thủ tục hành chính
Nhiều chuyên gia cho rằng một số quy định trong Dự thảo quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ông Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) cho rằng quy định bổ sung yêu cầu cá nhân phải có “xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp” là một thủ tục mới, tiểm ẩn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi sau này. Đại diện tại địa phương là cầu nối giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với cơ quan quản lý. Việc nâng cao điều kiện và tiêu chuẩn của người đại diện tại địa phương là cần thiết.
“Tuy nhiên, hiện có hàng nghìn đại diện địa phương phân bố trên 63 tỉnh/thành. Việc tổ chức các khóa đào tạo và thi tập trung sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn và khó khả thi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng như hiện nay.
Đồng thời, việc thay đổi người đại diện tại địa phương là phát sinh trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, trong thời gian chờ tổ chức đào tạo và kiểm tra của cơ quan chức năng thì sẽ xử lý như thế nào?”, ông Mạch nhấn mạnh.
Do đó, ông Mạch kiến nghị, xác nhận kiến thức về pháp luật không nên được coi là “điều kiện đầu vào” đối với người đại diện tại địa phương để tránh rủi ro gián đoạn kinh doanh khi thay đổi người đại diện tại địa phương.
Đồng quan điểm, bà Đinh Thu Huyền, đại diện cho Herbalife Việt Nam chia sẻ, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP đưa ra quy định khoản hoa hồng dành cho việc bán lẻ của nhà phân phối có giá trị tối thiểu 20% tổng hoa hồng trả ra của doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ thực tiễn hoạt động của Herbalife Việt Nam, việc áp dụng tỷ lệ hoa hồng cá nhân 20% đối với hoa hồng dành cho hoạt động bán hàng sẽ làm cho tỷ lệ hoa hồng tiền thưởng vượt mức trần 40% quy định tại Điều 48, Nghị định 40/2018/NĐ-CP hiện hành. Do đó, bà Huyền đề xuất ban soạn thảo cần xây dựng cơ chế chính sách vừa đảm bảo tính khả thi, vừa hạn chế xáo trộn hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề yêu cầu cập nhật hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối, hầu hết doanh nghiệp đồng tình với Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP trong việc phải quy định một khoảng thời gian nhất định về cập nhật thông tin nhà phân phối, giao dịch và thông tin có liên quan trên hệ thống.
Tuy vậy, với mục đích đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin cập nhật thì không nhất thiết phải cung cấp ngay khi phát sinh giao dịch hoặc trong vòng một ngày kể từ khi kết thúc kỳ tính thưởng như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Trên thị trường thực tế, phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là công ty đa quốc gia đã có hệ thống quản lý nhà phân phối toàn cầu đặt ở quốc gia khác. Hệ thống quản lý nhà phân phối trên máy chủ đặt tại Việt Nam chỉ có chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Vì vậy, bà Huyền cho rằng thời gian đồng bộ dữ liệu cần một khoảng thời gian hợp lý, đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và phù hợp với hoạt động của từng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh đa cấp
21:57, 28/07/2021
Để ngành bán hàng đa cấp nâng cao tính minh bạch, nhưng không bị hạn chế
12:02, 28/07/2021
Kinh doanh đa cấp hết đường thu lợi bất chính
04:00, 21/07/2021