DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách
Trọng tâm của công cuộc cải cách thể chế trong 5 năm tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là: Cải cách thể chế kinh tế, cải cách hệ thống tư pháp, và cải cách hệ thống hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề cải cách giai đoạn 2021-2025.
-Những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong suốt thời gian qua là không thể phủ nhận, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Cải cách thể chế luôn là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên. Qúa trình cải cách thể chế trong 5 năm qua đã tạo ra tấm áo mới, khuôn khổ phát triển mới cho doanh nghiệp, cho hoạt động kinh doanh, và cho xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tiếc nuối trong quá trình cải cách này.
Chống tham nhũng là vấn đề “nóng” trong suốt 5 năm vừa qua nhưng đáng tiếc “cải cách thể chế” song hành lại chưa có bước đột phá. Kết quả các vụ đại án – thể hiện nỗ lực lớn của Đảng là đáng hài lòng. Nhưng chỉ cải cách thể chế hiệu quả mới duy trì được kết quả của chống tham nhũng trong dài hạn. Bởi nếu thể chế không đủ mạnh sẽ “dung dưỡng” tham nhũng. Các đại án đã phơi bày những lạc hậu về thể chế, bao gồm hạn chế về cơ chế kiểm soát quyền lực; những lỗ hổng về chính sách đất đai – nguồn cơn lớn nhất của tham nhũng; của “tư nhân hoá” các tài sản nhà nước thông qua “cổ phần hoá”.
Trong những năm qua, sửa đổi Luật đất đai tiếp tục bị trì hoãn. Hệ thống tư pháp không có những chuyển biến rõ ràng. Và cuối cùng, kiểm soát quyền lực muốn tốt, thì ngoài kiểm soát nội bộ; kiểm soát từ bên ngoài, từ báo chí – truyền thông; từ các tổ chức xã hội phải mạnh.
Đặc biệt, cần nâng cao khả năng định hướng thông tin cùng khả năng phản biện và giám sát xã hội từ các báo chí chính thống và có những chế tài đủ mạnh kiểm soát mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cụ thể để làm “đường ray” cho hoạt động từ thiện cộng đồng.
Thứ hai, cá nhân tôi thấy có những nỗ lực, nhưng vẫn mang tính đơn lẻ hơn là tính hệ thống. Ngay trong một ví dụ thành công, là chuyện rà soát, bãi bỏ giấy phép con và thủ tục hành chính, những cố gắng không biết mệt mỏi của Tổ công tác của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, và cá nhân người đứng đầu là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tạo ra được những kết quả tích cực. Nhưng rộng hơn, tức là vấn đề mang tính hệ thống – là Mô hình điều tiết thị trường, điều tiết các ngành kinh doanh; gốc rễ đẻ ra giấy phép, điều kiện kinh doanh, quy định kinh doanh bất hợp lý thì vẫn chưa được xử lý.
-Quá trình cải cách trong quá khứ để lại những bài học gì cho công cuộc cải cách hiện nay, thưa ông?
Hai giai đoạn thành công nhất trong quá khứ, theo tôi là những năm đầu thập niên 1990s, với việc hình thành khung pháp lý cơ bản cho kinh tế thị trường; và đầu thập niên 2000s, khi một loạt các văn bản pháp lý tiếp tục được sửa để phù hợp với BTA Việt – Mỹ. Tôi rút ra hai bài học thành công là:
Thứ nhất, áp lực sinh tồn; áp lực hội nhập quốc tế - tạo ra động lực mạnh. Phải nắm lấy. Giai đoạn 1990, không chuyển sang kinh tế thị trường là chết vì đói, theo đúng nghĩa đen. Giai đoạn 2000, không mở cửa để hội nhập quốc tế thì không thể thoát nghèo. Hoàn cảnh ngặt nghèo đó tạo động lực mạnh để cải cách. Và với giai đoạn mới hiện nay, không tiếp tục cải cách thì không thể vượt qua đại dịch và đưa dân tộc trở thành “giàu, mạnh”.
Thứ hai, cải cách phải có “triết lý”; phải dẫn dắt bởi triết lý và các khung khổ tư duy, chứ không thể làm vụn vặt. Triết lý của 2 giai đoạn trước là “khung kinh tế thị trường” theo mô hình phương tây. Dù chưa đi đến đích – chưa có kinh tế thị trường hoàn chỉnh, nhưng đã tạo bước tiến lớn.
Dù vậy, cải cách nền hành chính và bộ máy nhà nước, trong suốt 3 thập niên cần định vị lại triết lý và mô hình. Tôi đưa hai ví dụ để hình dung và thay đổi. Ví dụ 1, cắt giảm biên chế trong 5 năm qua không có bước tiến, vì chưa có triết lý trọng tâm nên chỉ bàn chuyện tách nhập cơ học. Các bộ, các sở nhập nhiều đầu mối; dù giảm được “cấp phó”, nhưng thực chất không giảm được nhiều biên chế. Thậm chí “nhập xong” lại tách. Ví dụ 2, nhập văn phòng hội đồng nhân dân; UBND, đoàn đại biểu Quốc hội, chỉ thực hiện được vài năm lại phải tách.
-Vậy theo quan sát của ông, đâu sẽ là trọng tâm trong chương trình cải cách của Việt Nam trong 5 năm tới?
Về thể chế kinh tế, Việt Nam vẫn chưa có kinh tế thị trường hoàn chỉnh. 2 phương diện lớn cần tiếp tục.
Phương diện thứ nhất là cải cách thiết chế điều tiết thị trường gồm cải cách lập quy (regulatory policy) và chuyên nghiệp hoá các cơ quan điều tiết thị trường (regulatory agencies); cơ quan quốc gia về chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng. Phương diện thứ 2 là các thị trường cốt lõi, gồm thị trường đất đai (thông qua sửa chính sách và luật đất đai); và thị trường lao động.
Trong phương diện thứ nhất, các quy định điều tiết kinh tế số và công nghệ số là đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng lợi thế đi vào chiều sâu của chuyển đổi số; đưa kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới.
Về hệ thống tư pháp, ưu tiên cải cách hệ thống gồm cả tố tụng; xét xử và thi hành án, đặc biệt ưu tiên trước cho lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp trên môi trường số cũng sẽ phát sinh lớn khi số hoá, công nghệ và kinh tế số bùng nổ. Hệ thống giải quyết tranh chấp cho môi trường số cũng đòi hỏi phải được ưu tiên nâng cấp.
Về hệ thống hành chính nhà nước, đây tiếp tục là thách thức lớn nhất. 2 nhóm việc ưu tiên. Thứ nhất, thống nhất được triết lý và mô hình cho cải cách; với trọng tâm là tách bạch công việc hành pháp chính trị và hành chính công vụ như các nền hành chính hiện đại của các nước phát triển vẫn vận hành. Đây là mấu chốt, gỡ được mới có thể nói đến kế hoạch cải cách cụ thể không chỉ đến 2025 mà đến 2030. Thứ hai, ngắn hạn và trực tiếp hơn, tiếp tục xây dựng “chính phủ số” – tức đưa công nghệ số vào hiện đại hoá nền quản trị quốc gia và vận hành bộ máy hành chính.
-Việt Nam cần lưu ý điều gì trong quá trình cải cách, thưa ông?
Một phần chững lại của cải cách trong suốt 10 năm qua là các vấn đề ngày càng khó hơn, đòi hỏi năng lực kỹ thuật lớn hơn. Để giải quyết, Chính phủ nên ưu tiên thành lập các “task force”, nhóm chuyên gia, doanh nghiệp (working groups), những người thực sự chuyên sâu để hỗ trợ Chính Phủ. Một nhóm tư vấn (như nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng) là không đủ. Cần nhiều Task force, nhiều working group khác nhau trên từng nhóm vấn đề nêu trên.
Thứ hai, muốn chính sách tốt phải dựa vào bằng chứng, phải có dữ liệu. Xây dựng chính phủ số phải tạo ra được các bộ dữ liệu đáng tin cậy, cập nhật và khai thác tốt cho tiến trình quản trị, điều hành, ra chính sách, quyết định. Công nghệ số, với dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cung cấp những công cụ tốt; nhưng để sử dụng cần có Chính sách dữ liệu tốt trước đã. Tận dụng Dữ liệu số là cực kỳ quan trọng.
Nếu làm được đồng bộ, có hệ thống; được dẫn dắt bởi các triết lý và mô hình phù hợp, tôi tin chúng ta có cơ hội thành công.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Dấu ấn của Chính phủ về cải cách thể chế và chính phủ điện tử mở
10:35, 26/03/2021
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Cải cách thể chế để chính sách đi vào lòng người
06:00, 13/02/2021
TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế kinh tế là điều kiện tiên quyết
05:30, 09/02/2021
Đại hội XIII: Kỳ vọng đột phá về cải cách thể chế kinh tế
06:39, 26/01/2021
Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Mấu chốt là cải cách thể chế
04:00, 19/11/2020
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025: Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới
03:30, 29/07/2021