Đất công đã bị "hô biến" thành đất tư thế nào?

Bài: HUYỀN TRANG-Thiết kế: THUỲ LINH 17/08/2021 04:25

Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui vừa qua cho thấy những chiêu trò “hô biến” đất công thành đất tư với giá rẻ mạt gây thất thu ngân sách nhà nước.

Các vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố thời gian gần đây đã bóc trần mặt trái của quá trình cổ phần hoá khi “đất công được biến thành “đất ông” với giá rẻ mạt.

Theo đó, những doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng.

Đồng thời lợi dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đất công dần ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng về tay tư nhân.

Điển hình cho câu chuyện này chính là vụ việc liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là DNNN thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… và không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định.

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Phan Đăng Tuất (cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Sabeco) ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Từ đó, các sở, ngành thuộc UBND TPHCM tham mưu cho bị cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Tiếp đó, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, sau khi nhận được hai văn bản, nhóm các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl đề nghị ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Không lâu sau đó số cổ phần này được phê duyệt đấu giá với mức khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần.

Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất này. Đồng thời cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng các thuộc cấp ở các sở ngành của TP vướng vào lao lý.

Hay như khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) cũng khiến một phó chủ tịch UBND TP.HCM khác là ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố. Khu đất này được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho bốn công ty của Bộ Công Thương thuê đất, trả tiền hằng năm.

Năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, bốn doanh nghiệp này nợ tiền thuê, không chịu dời đi và có nhiều văn bản kiến nghị UBND, Thành ủy TP.HCM và Bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án.

Dù kiến nghị nói trên không được UBND TP.HCM đồng ý nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh (góp 50% vốn điều lệ), liên kết với bốn công ty đang thuê (góp 50%).

Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho sự hình thành tư cách pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần. Trong pháp nhân mới này bắt đầu xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới với sự chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài.

Như vậy, Công ty Lavenue có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kinh Đô 50%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%. Phần vốn góp của tư nhân đã chiếm đa số (80%) trong cơ cấu sở hữu này… 

Hay như vụ việc Vinafood 2 “hô biến” đất công thành đất tư cũng là một trong những ví dụ điển hình về thực trạng này.

Được Nhà nước giao hàng ngàn mét vuông đất vàng tại trung tâm TP.HCM, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân để “hô biến” đất công thành đất tư, lập dự án khống để vay ngân hàng nhiều ngàn tỉ.

Trong kết luận về sai phạm tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM được ban hành hồi đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinafood 2 trong chuyển đổi đất công thành đất tư.

Năm 2010, sau khi được TP.HCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2 được TP HCM giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.

Quá trình hợp tác lòng vòng giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Đáng lưu ý, trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đề xuất của Vinafood 2, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho Vinafood 2 thực hiện phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất.

Nhưng trong quá trình sắp xếp đất đai, Vinafood 2 đã 4 lần cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. 

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt những vụ thâu tóm đất công đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… trong thời gian gần đây.

Bình luận về các vụ việc này, một số chuyên gia nhận định thủ đoạn của tội phạm không có gì mới, đó là hành vi xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và lợi dụng chủ trương thoái vốn nhà nước, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh các văn bản pháp luật liên quan đến thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đều yêu cầu việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và việc chuyển nhượng vốn liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Phương thức thực hiện thoái vốn cũng được quy định, cụ thể, việc thoái vốn tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Đối với công ty chưa niêm yết, thực hiện theo thứ tự đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận.

Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định, đấu giá công khai có thể thực hiện theo 2 phương thức: đấu giá thông thường và đấu giá theo lô.

Nếu giá trị chuyển nhượng từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tại các sở giao dịch chứng khoán. Còn với khoản thoái vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị trên 10 tỷ đồng không thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán, mà lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Bởi nếu đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán sẽ có nhiều công ty chứng khoán tham gia làm đại lý, địa điểm đấu giá sẽ đa dạng hơn, trải dài trên nhiều địa phương, nhà đầu tư tham gia cũng thuận lợi hơn. Thành phần nhân sự tham gia đấu giá cũng nhiều hơn, đảm bảo việc đấu giá đạt kết quả tốt hơn nhưng có thế sẽ không đạt được mục đích không trong sáng của một số cá nhân. Còn nếu đấu giá thông qua tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán, thành phần tham gia cũng như địa điểm đấu giá thường bị hạn chế sẽ dễ chi phối”, ông Hoà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo phân tích của ông Hoà Nghị định 91/2015 có đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước khi thoái vốn tại các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định.

Ngoài ra, cũng không có văn bản nào quy định về việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty con, công ty cháu như vậy. Việc thoái vốn với các công ty chỉ còn một phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chỉ cần tuân theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty có thể bị lợi dụng, dẫn đến thất thoát trong quá trình thoái vốn.

Tuy nhiên, dù việc thoái vốn qua phương thức nào, trên sàn chứng khoán, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hay bán thỏa thuận… thì tài sản nhà nước cũng sẽ khó thất thoát nếu không có kẽ hở từ những bất cập quy định trong thẩm định giá. Soi chiếu Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 mới thấy pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

Đáng nói ở đây là điều luật trên là không có một điều khoản nào quy định doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu sự kiểm tra, giám sát của bất kỳ tổ chức nào trong quá trình tác nghiệp, hoặc cần phải có một cơ quan hậu kiểm đối với chứng thư thẩm định giá trước khi cung cấp cho khách hàng. Điều này khiến doanh nghiệp có thể cho ra những chứng thư thẩm định không sát với giá thực tế.

Thực trạng này đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ ra trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Sabeco. Thời điểm năm 2016, Sabeco lên kế hoạch thoái vốn 26% cổ phần tại Sabeco Pearl - công ty liên doanh, Sabeco góp vốn để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng trên khu đất 6.080 m2 tại địa chỉ 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng, TP.HCM do Sabeco sở hữu. Khu đất này có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du”, ông Hoà nói.

Nhìn lại tổng thể vấn đề trong bức tranh chung về cổ phần hoá, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội tại của hệ thống pháp luật.

Theo quan điểm của ông Lập việc xác định giá đất trong cổ phần hoá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Vấn đề lớn nhất là chúng ta không xác định được ai là chủ sở hữu đất, bao gồm cả đất đai như là lãnh thổ nói chung và từng mảnh đất cụ thể. Nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ là một diễn đạt cho mục đích chính trị mà không hàm chứa nội dung pháp lý. Cho nên mọi sự lạm dụng hay nghịch lý đều bắt đầu từ cái gốc này. Bởi toàn dân tức là không ai cả, trong khi từng cơ quan chính quyền cụ thể lại có quyền lực quản lý đất đai theo ý chí và cách thức của mình. Do đó, mới có chuyện là đất được doanh nghiệp nhà nước thuê trả tiền hàng năm thì không coi là tài sản, bởi đối với nhà nước thì vẫn thu được tiền thuê và doanh nghiệp nhà nướchay doanh nghiệp tư nhân, trả tiền thuê đều như nhau.

Chưa nói tới cái giá thuê đất ấy lại do chính nhà nước quyết định. Như vậy, có nghĩa rằng chúng ta đang sống cùng một lúc trong hai hệ thống và không gian hoàn toàn khác nhau: hệ thống bao cấp - kế hoạch hoá với một không gian được quản lý, điều chỉnh chặt chẽ và một hệ thống và không gian đối lập ngay bên cạnh và thậm chí đan xen là thị trường và tự do. Ai biết và có năng lực trượt theo hai chiều đi lại giữa hai hệ thống và không gian ấy thì sẽ trục lợi”, ông Lập nhấn mạnh.

Những sai phạm trong các vụ việc hô biến từ đất công thành đất tư với giá rẻ đã được nhiều kết luận thanh tra chỉ ra. Vậy vấn các vụ việc này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội Trường hợp gây thất thoát tài sản của Nhà nước khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:

  1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
  3. a) Vì vụ lợi;
  4. b) Có tổ chức;
  5. c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
  6. d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
  7. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
  8. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

“Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, ông Thắng nhấn mạnh.

Dù quá trình cổ phần hoá xảy ra nhiều sai phạm nhưng công bằng mà nói, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là một chủ chương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, nếu không quản lý, giám sát chặt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nuớc như trong các vụ án bị khởi tố vừa qua.

Do đó, để hạn chế thấp nhất những vấn đề tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nuớc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, nhiều chuyên gia cho rằng việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới cần khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các quy định trong thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất… bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Ðồng thời, bổ sung các chế tài đủ mạnh đối với việc doanh nghiệp làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng; ban hành hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định đúng và đủ lợi thế đất đai mang lại… Có như vậy mới ngăn ngừa được những sai phạm gây thất thoát, lãng phí trong cổ phần hoá, thoái vốn và tạo hành lang pháp lý minh bạch để các đơn vị không viện lý do “chính sách không rõ ràng” nhằm níu kéo quyền lợi, chây ì thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó phải xử lý nghiêm minh, thích đáng lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?

    04:05, 17/07/2021

  • Chậm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - nguyên nhân từ đâu?

    04:30, 16/07/2021

  • Doanh nghiệp cổ phần hoá phải lập báo cáo hiện trạng quản lý sử dụng đất

    11:00, 24/05/2021

  • “Hạt sạn” trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước

    11:10, 21/05/2021

  • Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!

    11:00, 20/05/2021

Bài: HUYỀN TRANG-Thiết kế: THUỲ LINH