Chống dịch COVID-19 nhưng cũng cần chống tin giả
Đổ xô, chen lấn nhau để mua hàng hoá, nhu yếu phẩm dự trữ vì lo sợ trước nguy cơ phải thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với biện pháp mạnh từ chính quyền, cơ quan chức năng…
Đây là trạng thái diễn ra gần như phổ biến trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay ở các địa phương khi thông tin về giãn cách, phong toả…chưa được kiểm chứng được lan truyền trên mạng xã hội.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xảy ra trên diện rộng từ hồi đầu năm 2020 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta đã phải đưa ra các giải pháp phòng, chống loại virus này xâm nhập, lây lan ra cộng đồng. Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 cũng lần lượt được ban hành để có cơ sở hướng dẫn các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện.
Theo đó, tuỳ vào hoàn cảnh, nguy cơ dịch bệnh ở mỗi địa phương, cấp uỷ chính quyền sẽ phân cấp, phân quyền cho các trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng các Chỉ thị nói trên. Những kế hoạch và giải pháp tối ưu cũng sẽ được ban hành đi kèm với Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 để đảm bảo “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương.
Vậy nhưng, câu chuyện về hiện tượng cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch để “cầm đèn chạy trước ô tô” vẫn còn xảy ra, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân. Thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức còn lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang xảy ra trên địa bàn để tung tin thất thiệt, gây hoang mang, lo lắng cho Nhân dân.
Đơn cử như trong khi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đang triển khai họp khẩn vào chiều 19/8 để đưa ra các giải pháp cấp bách trước nguy cơ số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng đang gia tăng, xảy ra trên diện rộng thì các tin giả về việc Tp Vinh (nơi có ổ dịch cộng đồng) sẽ áp dụng Chỉ thị 16+ khiến nhiều người dan hoang mang, lo lắng. Cùng với đó, nhiều tin giả còn giải thích nếu áp dụng Chỉ thị 16+ thì chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn như cấm người dân ra khỏi nhà, hệ thống Shipper sẽ ngừng hoạt động, các chợ sẽ đóng cửa… Vì vậy, trước giờ G, nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị, chợ, tạp hoá chen nhau mua sắm, dữ trữ lương thực.
Trước thông tin Tp Vinh sẽ áp dụng Chỉ thị 16+ từ 0h ngày 20/8, chiều 19/8, trao đổi với báo chí, ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh khẳng định đó là tin không chính xác. Nghĩa là, các hoạt động “giới nghiêm” đối với toàn bộ hoạt của thành phố là chưa chính xác.
Cũng từ chiều 19/8, trước thông tin Nghệ An sẽ thực hiện Chỉ thị 16 đối với 14 huyện, thị, thành trên địa bàn, tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm để tích trữ đã xảy ra ở một số địa phương.
Tình trạng này không phải là lần đầu tiên xảy ra mà tái diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khi nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trong suốt thời gian qua. Mặc dù, hệ thống thông tin – truyền thống chính thống đã nhiều lần phát đi cảnh báo này nhưng tâm lý lo lắng của người dân vẫn chưa thể kiểm soát được.
Hệ luỵ nhãn tiền về nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng nếu chẳng may tiếp xúc với F0 là điều khó có thể tránh khỏi. Bởi chỉ vài giây thôi, SARS-CoV-2 sẽ xâm nhập vào cơ thể bất kỳ người dân nào tại các điểm mua sắm đông đúc cùng một thời điểm.
Phương châm “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng để kịp thời ứng phó, ngăn chặn. Đây là một trong những giải pháp nhằm áp dụng vào tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương để hiệu quả của việc ngăn dịch COVID-19 lây lan trong cộng động một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, để áp dụng phương châm nói trên có hiệu quả thì công tác chống tin giả, tin không chính xác về các biện pháp chống dịch cũng cần nhanh hơn một bước, tránh gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân. Đó là, việc xử lý cá nhân, tổ chức tung tin đồn thất thiệt cũng cần ngăn chặn ngay từ đầu, tại điểm xuất phát.
Mặt khác, công tác định hướng, thông tin kịp thời về các giải pháp chống dịch COVID-19 của cơ quan chức năng cũng cần nhanh-đúng-trúng trọng tâm để ngăn chặn tâm lý đám đông, gây hoang mang trong Nhân dân.
Và, nếu địa phương nào phải áp dụng biện pháp chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất thì công tác an sinh xã hội bằng việc thông báo rõ các phương án tiếp tế, vận chuyển nhu yếu phẩm…để kịp thời cứu trợ người dân vùng “giới nghiêm” cũng cần “nhanh hơn một bước”. Chống dịch COVID-19 nhưng đi đôi với chống tin giả và làm tốt công tác an sinh xã hội thì sẽ đỡ vất vả cho lực lượng chức năng.
Bình tĩnh, tỉnh táo là một trong những cách chống dịch COVID-19 tốt nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội thiết lập nhiều kênh thông tin liên quan phòng, chống dịch COVID-19
10:17, 20/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát các quy định phòng chống dịch đối với hệ thống cung ứng, phân phối
19:01, 19/08/2021
Bộ Công Thương: Người dân yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách
22:41, 02/08/2021
Tổ công tác 970 hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn tại TP.HCM
11:02, 02/08/2021
Không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực phục vụ vùng có dịch COVID-19
21:22, 25/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống
18:26, 26/03/2021