Những vấn đề cần làm rõ trong vụ bán rẻ 43ha đất tại Bình Dương

ĐỖ HUYỀN 25/08/2021 11:20

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, động cơ mục đích phạm tội là một vấn đề quan trọng cần phải làm rõ trong vụ án hình sự này.

Cơ quan CSĐT vừa chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương” theo quy định tại Điều 219 BLHS 2015.

Về các vấn đề pháp lý xung quanh vụ án này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, cơ quan điều tra xác định sai phạm của ông Trần Văn Nam là sai phạm kéo dài, nhiều lần (mỗi một lần sai phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể xác định là một lần phạm tội) từ khi ông Nam còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.

Hành vi sai phạm trong áp giá đất để thu tiền sử dụng đất trái quy định pháp luật gây thất thoát số tiền 761 tỷ đồng là một lần sai phạm và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ về việc quy định giá đất do UBND tỉnh công bố tại thời điểm đó và các văn bản của UBND tỉnh Bình Dương về áp giá đất đối với lô đất này để xác định sai phạm. 

Cũng theo Luật sư Cường, Cơ quan điều tra cũng xác định trong quá trình làm Bí thư tỉnh Bình Dương, ông Nam tiếp tục có nhiều sai phạm, tạo điều kiện cho Công ty 3/2 chuyển nhượng toàn bộ 43ha đất từ đất công sang đất tư gây thất thoát 302 tỷ đồng.

"Đây cũng là hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất gây thất thoát lãng phí của nhà nước với số tiền thiệt hại đặc biệt lớn. Việc này sẽ chứng minh bằng các chứng cứ có bút phê chỉ đạo hoặc văn bản chỉ đạo của vị lãnh đạo này. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ như vậy thì dù ông Nam có không nhận tội thì cũng khó có thể thoát được sự xử lý của pháp luật", luật sư Cường nhận định.

Về giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp thì do UBND tỉnh quy định, tài liệu này được công khai cho tất cả các tổ chức cá nhân đều được biết. Việc tính giá đất sẽ thể hiện qua văn bản của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp này, việc thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất cũng phải qua các hồ sơ thủ tục hành chính. Tất cả những tài liệu này lưu giữ tại cơ quan chức năng, sẽ không khó khăn gì để cơ quan điều tra thu thập được các tài liệu này. Ngoài ra vụ án có đồng phạm, lời khai của các đồng phạm khác cũng sẽ có thể làm căn cứ để buộc tội ông Trần Văn Nam. 

"Bởi vậy, trường hợp thực sự có sai phạm thì ông Nam nên cân nhắc trong việc khai báo thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Vấn đề này, các luật sư bào chữa cho ông Trần Văn Nam sẽ có tư vấn cho ông ấy trong quá trình giải quyết vụ án. Thành khẩn khai báo là thành khẩn thừa nhận các hành vi, sai phạm của mình. Còn việc nhận thức về hành vi như thế nào lại là một chuyện khác", luật sư Cường nói.

Theo quy định của pháp luật trường hợp bị can, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm thì cũng sẽ được xác định là thành khẩn khai báo. Còn việc nhận thức và thái độ đối với hành vi, sự việc đó sẽ xác định là bị can, bị cáo có ăn năn hối cải hay không. Những vấn đề này sẽ quyết định đến mức hình phạt trong trường hợp tòa án kết luận bị cáo có hành vi phạm tội. Nếu tòa án kết tội và cho rằng ông Nam không nhận thức được sai phạm của mình, không thành khẩn nhận tội thì ông này sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc.

Để che giấu thủ đoạn “biến” tài sản công thành tư các đối tượng đã hợp thức hoá nhiều hồ sơ tài liệu.

Để che giấu thủ đoạn “biến” tài sản công thành tư các đối tượng đã hợp thức hoá nhiều hồ sơ tài liệu.

Cũng theo Luật sư Cường, đối với việc thành khẩn thừa nhận động cơ mục đích thì đây là vấn đề rất “nhạy cảm”.

Trường hợp bị can, bị cáo trong vụ án nếu vì vụ lợi, nhận tiền của doanh nghiệp để thực hiện hành vi công vụ trái pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì còn có thể xử lý hình sự về tội đưa và nhận hối lộ. Vấn đề này cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ xem đó là nguyên nhân, động cơ nào khiến các bị can lại có những sai phạm như vậy, nếu có hành vi “Đưa - nhận” hối lộ thì phải xử lý thêm về tội danh này.

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 BLHS 2015 cụ thể như sau: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…

“Như vậy, theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì động cơ, mục đích phạm tội không phải là tình tiết định tội. Tuy nhiên vấn đề động cơ mục đích phạm tội cũng là một vấn đề quan trọng trong vụ án này cần phải làm rõ. Động cơ và mục đích phạm tội có thể là cơ sở để phát sinh tội phạm khác. Vấn đề này cơ quan điều tra phải làm rõ để giải quyết triệt để vụ án”, Luật sư Đặng văn Cường kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công an bắt tạm giam cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam

    21:02, 27/07/2021

  • Bộ Chính trị đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Văn Nam

    22:07, 18/06/2021

  • Đề nghị xem xét kỷ luật Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam

    20:59, 16/06/2021

ĐỖ HUYỀN