Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

GIA NGUYỄN 26/08/2021 04:20

Được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang cho thấy nhiều “rào cản”…

Được thông qua từ năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/20218, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên trở thành động lực phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau hơn 3 năm thi hành, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang cho thấy nhiều “rào cản” hơn là tháo gỡ.

Sau hơn 3 năm thực thi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang cho thấy nhiều

Sau hơn 3 năm thực thi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang cho thấy nhiều "rào cản" - Ảnh minh họa

Cụ thể, khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định, “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.

Theo các chuyên gia, cách giải thích này rất trừu tượng, đặc biệt là cụm từ: “có khả năng tăng trưởng nhanh”. Thế nào là doanh nghiệp “có khả năng tăng trưởng nhanh”, hiện Luật này và kể cả Nghị định 39/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa có quy định tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo “có khả năng tăng trưởng nhanh”.

“Vì vậy, không có cơ sở để áp dụng thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (theo quy định tại Điều 16 – Điều 19)”, các chuyên gia nhận định.

Một bất cập khác cần phải kể đến đó là điểm b khoản 1 Điều 16 quy định, điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ về các nội dung tại khoản 2 Điều 16 (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu…), là “hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.

Bất cập trong chính sách khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận các gói hỗ trợ - Ảnh minh họa

Bất cập trong chính sách khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận các gói hỗ trợ - Ảnh minh họa

Đối với quy định này, các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, số lượng hộ kinh doanh cá thể đảm bảo có duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm là rất ít; đa số duy trì theo phương thức trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh khó khăn phải tạm nghỉ một thời gian ngắn, khi có điều kiện và cơ hội kinh doanh đến thì đăng ký hoạt động lại.

Vậy nên, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 16 là rất xa vời và đó cũng là lý do vì sao các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thực tế có thể thấy, trong năm 2020, bên cạnh các gói cứu trợ kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất ít, đặc biệt là các doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Trong các gói hỗ trợ từ Chính phủ, khó tiếp cận nhất là chính sách giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hồi tháng 09/2020, bởi điều kiện để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, khi doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Tại Phiên họp thứ 57 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, việc triển khai chính sách các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019

    Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019

    04:20, 25/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    04:20, 24/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    04:30, 23/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

    Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

    04:40, 22/08/2021

  • Rà soát phát luật: Bất cập hành vi kinh doanh bị cấm trong Luật Đầu tư

    Rà soát phát luật: Bất cập hành vi kinh doanh bị cấm trong Luật Đầu tư

    04:20, 21/08/2021

GIA NGUYỄN