DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 26/08/2021 11:00

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là vấn đề cốt lõi trong cải cách kinh tế Việt Nam.

Nếu sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10% mỗi năm, tương đương Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời kỳ kinh tế cất cánh.

Thị trường các nhân tố sản xuất là trọng tâm

Không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, có thể coi việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cốt lõi cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Tại sao? Vì hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng - PV) thời gian qua nhìn chung có cải thiện nhưng vẫn cần tới 6 đồng đầu tư để tạo ra 1 đồng tăng trưởng, trong khi ở thời điểm tương tự như chúng ta hiện nay, Hàn Quốc chỉ cần 4 đồng, Nhật Bản thậm chí chỉ cần 3 đồng. Tức là nếu sử dụng hiệu quả hơn, thì với tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP trên 30%, thì chúng ta có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10%, tương đương Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế cất cánh.

Nếu mục tiêu hướng tới của cải cách là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì phát triển thị trường các nhân tố sản xuất chính là trọng tâm trong viễn kiến cải cách. Thực tế, các thị trường này của chúng ta vẫn phát triển với nhiều méo mó, sai lệch, các tín hiệu thị trường bị chi phối nhiều bởi sự thất bại của thị trường, các vấn đề tồn tại trong cách xử lý của một số cơ quan nhà nước và tác động của các nhóm lợi ích, dẫn tới sự sai lệch tín hiệu thị trường, sai lệch trong phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Đặc biệt, phải nhấn mạnh việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm hình thành. Nói cách khác, chúng ta cần có những cải cách để xây dựng nền tảng thể chế cho việc vận hành thị trường quyền sử dụng đất, thay vì chỉ phát triển thị trường bất động sản. Phải xây dựng được thể chế để thị trường hóa, vốn hóa được tài sản quyền sử dụng đất của nông dân, phát triển cả thị trường thứ cấp và thị trường sơ cấp, chứ không chỉ có các quy định về thu hồi đất hay các biện pháp hành chính áp đặt khác.

Trên thực tế, việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất cũng là công cụ tốt nhất bảo vệ lợi ích với nông dân. Chưa thể có thị trường nếu các biện pháp hành chính còn quá nhiều. Không theo các nguyên tắc thị trường thì chúng ta rất khó tích tụ, tập trung ruộng đất; nếu tích tụ, tập trung bằng các biện pháp hành chính thì chi phí sẽ quá cao, đầy rủi ro và có nguy cơ lạm dụng; nếu có tích tụ được thì cũng có thể ruộng đất đó sẽ không dành cho những người sử dụng tốt nhất, những dự án có hiệu quả cao nhất.

 Không theo các nguyên tắc thị trường thì rất khó tích tụ, tập trung ruộng đất dành cho những dự án có hiệu quả cao nhất. (Tiểu ban dồn điền, đổi thửa xã Ninh Vân, Ninh Bình đo diện tích thực địa tại cánh đồng Chệ Bái. Ảnh: Minh Đường)

Không theo các nguyên tắc thị trường thì rất khó tích tụ, tập trung ruộng đất dành cho những dự án có hiệu quả cao nhất. (Tiểu ban dồn điền, đổi thửa xã Ninh Vân, Ninh Bình đo diện tích thực địa tại cánh đồng Chệ Bái. Ảnh: Minh Đường)

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý và sử dụng một khối tài sản khổng lồ, phải làm sao để nguồn lực này bùng phát hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy không có gì hơn là là động lực thị trường và lợi ích chính đáng của những người có liên quan. Sẽ rất khó có hiệu quả nếu quản lý các doanh nghiệp này theo lối hành chính gò bó.

Điều này có nghĩa là phải để cho họ đầy đủ tự chủ để sáng kiến, sáng tạo, để tìm kiếm được người tốt nhất. Hãy giao mục tiêu cho họ, từ đó giám sát để đạt mục tiêu, còn làm gì hay làm thế nào thì nên để cho các doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp quyết định và họ hưởng lợi xứng đáng từ phần họ làm ra, chứ đừng khống chế theo chi tiêu hay tiền lương. Họ cũng phải được quyền tự chủ về bổ nhiệm cán bộ và và tài chính.

Nói khác đi, hãy quản lý theo theo cách “họ làm được bao nhiêu tiền” chứ đừng quản lý theo lối “họ được chi bao nhiêu tiền”. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nói rằng họ muốn được như tư nhân là như vậy.
Tương tự như vậy với đầu tư công, các nghị quyết được ban hành đều nhấn mạnh phải phân bổ vốn đầu tư nhà nước trên cơ sở mức độ hiệu quả đã được đánh giá, thay vì phân bổ vốn về rồi sau đó mới tìm kiếm dự án. Theo tôi, đây là một “đột phá khẩu” trong cải cách của Việt Nam, nhưng cũng là chỗ mà cải cách có thể diễn ra với những cọ xát gay gắt nhất, vì nhiều người có quyền lợi gắn với cơ chế xin - cho.

Cần thể chế cho mô hình kinh doanh mới

Một vấn đề khác là cách ứng xử với các ngành nghề mới, công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong cách mạng 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra, phải hoàn thiện thể chế để mọi tổ chức, cá nhân chủ động tham gia cuộc cách mạng này.

Ở thời điểm hiện nay, rất cần hệ thể chế khuyến khích, đồng hành, nuôi dưỡng sức sáng tạo. Mấy năm qua chúng ta thấy rất rõ điều này khi các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam gặp rất nhiều trầy trật, thậm chí không làm được. Nhà nước cần gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề này. Tức là, khi chưa có quy định thì hãy cho người dân làm, thay vì chưa có quy định thì không cho làm.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    11:06, 19/08/2021

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    04:20, 14/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    05:00, 07/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    11:06, 04/08/2021

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương