Rà soát pháp luật: Vướng mắc trong thực hiện Luật PPP
Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng, thế nhưng, chỉ mới có hiệu lực thi hành hơn 8 tháng qua, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã cho thấy tồn tại, vướng mắc…
Theo đó, Luật PPP được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, với kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để huy động các nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ mới có hiệu lực thi hành hơn 8 tháng qua, Luật PPP đã cho thấy nhiều tồn tại, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong thực hiện các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư.
Khi Luật PPP ra đời, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, trong đó, hiện có 1.163km đường cao tốc và đang triển khai thi công 786km cao tốc mới. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn chung và Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thế nhưng, tại Nghị định 28/2021/NĐ-CP được ban hành quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP vừa được ban hành cuối tháng 3/2021, vẫn còn một số rào cản khiến việc thu hút nguồn lực xã hội sau thời gian dài trầm lắng, càng trở nên khó khăn hơn.
Kể từ khi Luật PPP có hiệu lực, đến thời điểm tháng 5/2021 mới có dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được ký kết. Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, vướng mắc đầu tiên là về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Cụ thể, khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận. Đồng nghĩa, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành.
Theo các chuyên gia, điều này rất bất cập, bởi đã là hợp tác công tư, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì Nhà nước cũng phải bỏ vốn góp theo tỉ lệ tương ứng, do ràng buộc của quy định nên đã gặp khó trong việc ký kết hợp đồng tín dụng do phía ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Đại diện nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về hợp đồng xây dựng nêu rõ, nhà thầu thi công được tạm ứng tối thiểu 10% và tối đa 50% giá trị hợp đồng. Mặt khác, tại hợp đồng thi công các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức đầu tư công, các nhà thầu được tạm ứng khoảng 30% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, Nghị định 28/2021/NĐ-CP lại không có quy định cho doanh nghiệp được tạm ứng là rất vô lý. Do đó, điều khoản này cần sửa đổi theo hướng có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để tạm ứng, hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu thi công trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Vụ PPP (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong quá trình đàm phán hợp đồng các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, một số nhà đầu tư đang yêu cầu cần phải tính lãi nếu Nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Hiện một số dự án PPP triển khai trong thời gian qua bị chậm tiến độ xuất phát từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không bố trí kịp thời vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng Nghị định 28/2021/NĐ-CP lại không quy định và hướng dẫn trường hợp phần vốn Nhà nước chậm giải ngân sẽ xử lý thế nào.
Cũng theo đại diện vụ PPP, trường hợp dự án được chấp thuận cấp vốn ngân sách Nhà nước nhưng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được bố trí và giải ngân kịp thời, nhà đầu tư có quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án và được tính lãi vay, nhưng theo quy định trên thì các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam hiện nay không có cơ sở đàm phán đưa vào điều khoản hợp đồng dự án.
Trong đó, liên quan đến việc thực hiện điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 82 Luật PPP, đại diện Vụ PPP cho rằng, điều khoản này cần phải quy định chi tiết việc áp dụng điều chỉnh mức giá, phí, thời hạn hợp đồng ở mức độ nào và đến khi nào để được chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu do không thể tăng giá, phí sản phẩm, dịch vụ công quá cao và tăng suốt vòng đời dự án.
Theo quy định tại Điều 42 Luật PPP, mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công là một trong những tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và thời hạn hợp đồng được xác định cố định và quy định cụ thể trong hợp đồng dự án PPP, khi điều chỉnh các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán các thông số tài chính, tiến độ huy động vốn, lãi vay của nhà đầu tư.
Một bất cập khác là quy định về chia sẻ doanh thu của dự án PPP theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2021/NĐ-CP, việc xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ sẽ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, còn nhà đầu tư không được nhắc tới.
Thông tin với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) – PGS.TS Trần Chủng cũng cho rằng, quy định của điều khoản này không phù hợp với khoản 4 Điều 82 của Luật PPP, bởi, trong Luật PPP đã nêu rất rõ, định kỳ hàng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Do đó, điều khoản này bất hợp lý, cần phải xem xét điều chỉnh sửa đổi hoặc hủy bỏ.
Theo ông Chủng, doanh nghiệp dự án cũng là một bên trong hợp đồng dự án nên hoàn toàn có quyền tham gia quá trình xác định doanh thu làm căn cứ để thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu. Quy định này của Nghị định 28 trái với nguyên tắc bình đẳng giữa doanh nghiệp dự án và cơ quan ký hợp đồng nên cần xem xét sửa đổi hoặc hủy bỏ.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, mặc dù hiện nay đã có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tuy nhiên, nhà đầu tư chưa mặn mà với “kênh” gọi vốn này khi mô hình BOT đang liên tiếp gặp khó khăn. Vì thế, chúng ta cần nhìn vào thực tiễn để tháo gỡ từ những bài học đã có.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
04:20, 26/08/2021
Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019
04:20, 25/08/2021
Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật
04:20, 24/08/2021
Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở
04:30, 23/08/2021
Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai
04:40, 22/08/2021