Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

GIA NGUYỄN 28/08/2021 04:20

Mặc dù được đánh giá đã xác lập được lộ trình pháp lý và kỹ thuật cho quy hoạch, tuy nhiên, Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chậm đi vào thực tiễn…

Theo đó, Luật Quy hoạch 2017 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và được đánh giá là bước “đột phá” trong công tác quy hoạch, việc tích hợp các quy hoạch theo tinh thần của Luật Quy hoạch sẽ bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, bảo đảm sự thống nhất trong một không gian phát triển, tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên hạn hẹp của đất nước.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 8 tháng thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã phải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 để giải thích một số điều của Luật Quy hoạch bởi trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách hiểu khác nhau về một số điều khoản cụ thể, trong đó có quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.

Dù được đánh giá cao, thế nhưng, Luật quy hoạch 2017 được cho vẫn chậm đi vào thực tiễn

Dù được đánh giá cao, thế nhưng, Luật quy hoạch 2017 vẫn được cho chậm đi vào thực tiễn - Ảnh minh họa

Cụ thể, Điều 6 Luật Quy hoạch quy định: Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 20, thì một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn. Do đó, khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, việc lập quy hoạch phải theo thứ bậc từ trên xuống dưới như quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch. Trong khi đó, một số bộ, ngành và địa phương lại cho rằng các quy hoạch phải được lập đồng thời mới bảo đảm tiến độ, dẫn tới công tác triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 đã bị chậm tiến độ.

Để thống nhất cách hiểu, tại Nghị quyết số 751, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất hướng dẫn: “các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 751 được thông qua và có hiệu lực thi hành đến nay, công tác triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 vẫn rất chậm.

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch cũng được cho là chưa đáp ứng được kỳ vọng khi vẫn chưa có những quy hoạch tốt - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch cũng được cho là chưa đáp ứng được kỳ vọng khi vẫn chưa có những quy hoạch tốt - Ảnh minh họa

Tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định cũng đánh giá, Luật Quy hoạch được thực hiện quá chậm, không chỉ chậm trễ trong lập quy hoạch theo phương pháp mới được quy định tại Luật Quy hoạch mà còn phải rút kinh nghiệm khi có 5 tỉnh đến năm cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021 vẫn chưa ban hành được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và nhiều địa phương cũng vướng quy hoạch này.

Và trong bản thuyết minh về sự cần thiết của các chuyên đề giám sát trình Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Bùi Văn Cường cũng nêu rõ, tiến độ triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh rất chậm so với yêu cầu đặt ra, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển của đất nước giai đoạn tới. Một trong những nguyên nhân là việc chậm ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm theo quy định của Luật Quy hoạch.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, có phạm vi toàn diện và phức tạp, đòi hỏi công tác phối hợp cao, chặt chẽ giữa các cơ quan lập quy hoạch, trong khi kinh nghiệm của Việt Nam về cách thức làm mới này chưa có nhiều nên đã gây lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tổ chức lập quy hoạch.

Cùng với đó, các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi có Luật Quy hoạch sẽ hết hiệu lực sau năm 2020 trong khi các quy hoạch mới cho giai đoạn 2021 - 2030 chưa được trình phê duyệt sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch nói riêng và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, mặc dù Luật Quy hoạch 2017 đã hướng đến quy định địa phương lập quy hoạch là phương pháp tích hợp, tức là các ngành, lĩnh vực sẽ cùng phối hợp, kết hợp và chịu trách nhiệm về các nội dung tương ứng trong suốt quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, thế nhưng, để phương pháp lập quy hoạch tích hợp thực sự có hiệu quả, rất cần thiết phải có sự thay đổi ngay từ công tác đào tạo của các ngành, lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát pháp luật: Vướng mắc trong thực hiện Luật PPP

    Rà soát pháp luật: Vướng mắc trong thực hiện Luật PPP

    04:20, 27/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

    04:20, 26/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019

    Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019

    04:20, 25/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    04:20, 24/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    04:30, 23/08/2021

GIA NGUYỄN