DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 8): “Khai tử” giấy phép con
Ai cũng biết từ quản lý bằng “giấy phép” đến quản lý bằng việc xác định “điều kiện kinh doanh” và hậu kiểm đã là một bước tiến dài tới một không gian kinh tế tự do hơn.
Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh đang hiện hữu và được áp đặt lại dường như quá phức tạp và trở thành rào cản đối với những ai muốn khởi nghiệp và gia nhập thị trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Còn nhiều quy định bất hợp lý
Chính phủ và Quốc hội đang phải nỗ lực rất nhiều để sàng lọc các điều kiện kinh doanh này để không cản, cấm doanh nghiệp, người dân. Chính phủ đang nhấn mạnh và hướng đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội, nhưng quan trọng nhất hiện nay là chi phí thực thi pháp luật. Bởi chi phí này đang rất lớn, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Đây là vấn đề đã được mang ra bàn thảo trong nhiều năm nhưng vì sao cho đến hôm nay câu chuyện này vẫn còn nóng? Bởi trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý còn vướng mắc. Chúng ta có những quy định bất hợp lý mà gần như không ai phát hiện ra và không biết bao giờ mới sửa.
Trên thực tế, một số điều kiện có thể là hợp lý vào lúc ban hành, nhưng khi áp dụng thì trở thành thách thức đối với người tuân thủ, một khi chúng được coi là cơ hội và phương tiện gây khó của người có quyền lực.
Có quyền sở hữu về tài sản là có mọi quyền nhưng doanh nghiệp có quyền sở hữu bất động sản lại không được phép thế chấp (chỉ được thế chấp ở ngân hàng), cộng thêm việc không được huy động vốn sớm và vốn bất động sản phụ thuộc vào ngân hàng.
Trở ngại về pháp luật cũng khiến bất bình đẳng trong kinh doanh đang gia tăng. Do đó, câu chuyện phải bảo đảm doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước công bằng để phát triển.
Tựu chung lại, bao trùm tất cả trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam là chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là vấn đề rất lớn của nền kinh tế. Ở Việt Nam, kinh doanh có quan hệ với chính quyền mới thành công. Chúng ta phải làm thế nào để cắt sợi dây này đi, làm thế nào để không còn và không lợi dụng thân hữu để kinh doanh và vụ lợi.
Gỡ bỏ điều kiện kinh doanh như thế nào?
Thực ra, công bằng mà nói, trong mấy năm trở lại đây môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Điều này được ghi nhận bằng thứ hạng của về môi trường kinh doanh Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng khái quát lại thì chi phí vẫn cao và rào cản kinh doanh vẫn… lắm. Trên thực tế, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
Đồng thời, phải tiếp tục tháo dỡ các rào cản từ các quy phạm pháp lý hiện hành. Chính phủ, các Bộ, ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những thủ tục xác nhận ngành nghề kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, hay buộc doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp nên xem xét bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các chủ thể kinh doanh về quyền tự do kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình. Sự hiểu biết của các chủ thể kinh doanh sẽ giúp họ chủ động tuân thủ pháp luật khi kinh doanh và phòng tránh các rủi ro pháp lý. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.
Cuối cùng để môi trường kinh doanh được công bằng, bình đẳng chúng ta cũng phải bảo đảm doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước công bằng để phát triển, quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải được đối xử công bằng như nhau, được phân bổ nguồn lực như nhau hoặc không tạo ra rào cản ưu đãi nào đó nhằm cản trở, khu biệt doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực
11:00, 26/08/2021
Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai
11:06, 19/08/2021
Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh
04:20, 14/08/2021
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở
05:00, 07/08/2021
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách
11:06, 04/08/2021
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới
03:30, 29/07/2021