Hàng xuất khẩu Việt “dính” 207 vụ điều tra phòng vệ thương mại
Tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên, Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, như: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.
Thông qua cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ, cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Hoạt động cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp giảm được thiệt hại trong một số vụ việc.
Đơn cử, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá.
Hay trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%).
Đối với vụ việc Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch men, dự kiến đa số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang Đài Loan) không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức độ thấp.
"Những kết quả như vậy giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và thậm chí phát triển thêm được thị phần tại thị trường xuất khẩu khi hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao hơn so với mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam", Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại khẳng định.
Về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh.
Bên cạnh đó, xu thế gia tăng các vụ viêc phòng vệ thương mại còn từ một số nguyên nhân như kinh tế suy thoái, tác động của đại dịch Covid-19, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường…
Tuy nhiên, có những thị trường Việt Nam tăng xuất khẩu nhiều như Trung Quốc, Nhật Bản nhưng hầu như không bị khởi kiện phòng vệ thương mại. Như vậy, kiện phòng vệ thương mại hay không còn phụ thuộc vào đặc điểm chính sách thương mại của mỗi nước, tính chất nền kinh tế của nước đó cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các hàng hóa bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại nhiều đa phần là hàng hóa có tính sản xuất hàng loạt chủ yếu ở phân khúc nguyên vật liệu, thứ hai là thành phẩm ở phân khúc tiêu dùng phổ biến. “Sau này, Việt Nam tiến tới xuất khẩu sản phẩm tinh hơn, giá trị gia tăng cao yêu cầu độ tinh vi, không phải sản phẩm nào cũng giống sản phẩm nào thì có thể sẽ ít bị điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại hơn”, bà Giang nói.
Để phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, về cơ quan quản lý nhà nước, việc quan trọng là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về phòng vệ thương mại.
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều đã có kiến thức về vấn đề này song doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có hiểu biết nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động cung cấp thông tin để các doanh nghiệp không quá bị động, lúng túng.
Với doanh nghiệp, cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…
“Các nước hiện nay còn dùng cả rào cản về môi trường, sơ hữu trí tuệ… để áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh quá tập trung vào 1 thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao”, bà Giang nói.
Có thể bạn quan tâm
10 sản phẩm xuất khẩu đối diện nguy cơ phòng vệ thương mại
17:10, 18/08/2021
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại sản phẩm thép và phân bón
17:45, 04/03/2021
Thép Việt trong “phong ba bão táp” phòng vệ thương mại
00:01, 26/02/2021
Vượt ải phòng vệ thương mại: Thấy gì từ thắng lợi của "Vua tôm" Minh Phú?
06:00, 20/02/2021