Vô lý phí bảo trì đường bộ “mùa dịch”

TRUNG THÀNH thực hiện 03/10/2021 11:00

Không kinh doanh vẫn phải trả phí đường bộ là một thực tế vô lý đối với nhiều doanh nghiệp vận tải. Đây là một trong những điển hình của việc chính sách chưa “gặp” thực tiễn.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP vận tải TM&DV Đất Cảng cho biết, Bộ GTVT vừa kiến nghị giảm phí đường bộ, phí đăng kiểm cho doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên chỉ giảm là chưa đủ, hầu hết các phương tiện vận tải đường bộ phải nằm “đắp chiếu” nhiều tháng qua mà vẫn phải trả phí mới là điều phải bàn.

- Phải chăng việc giảm phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện thời gian qua chưa thoả đáng, thưa ông?

Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính có Thông tư 47/2021 quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí. Theo đó, giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải đến hết năm 2021.

Tuy nhiên, mức giảm này không đáng kể so với thiệt hại mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Đợt dịch này khiến xe tải chỉ còn hoạt động cầm chừng, còn xe khách và taxi thì coi như “chết lầm sàng”. Hiện cả nước có khoảng 300.000 phương tiện kinh doanh, nhưng mấy tháng gần đây có tới 80-90% dừng hoạt động do các tuyến vận tải hành khách đã phải tạm dừng đến các tỉnh, thành giãn cách. Mặc dù giảm 30% nhưng việc thu phí bảo trì đường bộ trong khi phương tiện phải dừng hoạt động (theo chỉ đạo của nhiều địa phương) là bất hợp lý. Bởi thực tế đang trái quy luật thị trường, phương tiện không sử dụng hạ tầng mà vẫn mất phí!

- Theo quy định hiện hành, các phương tiện dừng lưu thông bao lâu được miễn phí bảo trì đường bộ, thưa ông?

Theo quy định Thông tư 293/2016, và Thông tư 47/2021 của Bộ Tài chính, nếu phương tiện dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên đã được miễn 100% phí sử dụng đường bộ, trong thời gian dừng hoạt động. Tuy nhiên, để được miễn đóng phí, doanh nghiệp phải làm thủ tục với Sở GTVT trả phù hiệu các xe kinh doanh vận tải.

 Do dịch bệnh Covid-19, xe của các đơn vị vận tải nằm đắp chiếu nhiều tháng. Ảnh: V.P

Do dịch bệnh COVID-19, xe của các đơn vị vận tải nằm đắp chiếu nhiều tháng. Ảnh: V.P

Đây là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất lo ngại. Bởi trong kinh doanh vận tải, thời gian là vàng bạc từ việc xếp lốt (thời gian chạy tuyến tại bến) đến cạnh tranh về thời gian chạy xe trở lại giữ chân khách hàng… vô cùng quan trọng. Đặc biệt, thủ tục hành chính để được xin cấp lại phù hiệu cũng luôn khiến doanh nghiệp nghe đã thấy sợ. Do đó, hầu hết doanh nghiệp phải chấp nhận không làm thủ tục trả phù hiệu trong trạng thái đợi chờ để được hoạt động trở lại ngay khi hết lệnh giãn cách.

Cùng với nhiều loại chi phí như lãi vay ngân hàng, lương, BHXH cho người lao động... việc trả thêm loại phí vô lý này như một “cú đấm bồi” khiến doanh nghiệp vận tải phải “ngã quỵ”.

- Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về phương án hỗ trợ doanh nghiệp vận tải những tháng cuối năm 2021. Ông nhận định thế nào về “gói” hỗ trợ này?

Căn cứ diễn biến thực tế của dịch bệnh COVID-19, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư số 47/2021 về việc giảm phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải. Như đã nói ở trên, giảm là chưa đủ mà phải miễn nộp phí những trường hợp không chạy xe thực tế.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm lệ phí cấp giấy đăng kiểm đối với phương tiện xe cơ giới trong 4 tháng cuối năm 2021 về mức 0 đồng. Mặc dù trước đó ngày 17/8, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản đề nghị không giảm giá đăng kiểm xe cơ giới trước thực trạng thua lỗ nặng nền của 251 Trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp vận tải còn khó khăn hơn rất nhiều và trên tinh thần chia sẻ thì đề nghị miễn phí đăng kiểm 4 tháng cuối năm 2021 vẫn có thể được đề nghị triển khai. Bởi vì theo tính toán trong trường hợp giảm lệ phí về 0 đồng trong 4 tháng cuối năm 2021 thì số thu ngân sách của mỗi địa phương sẽ giảm khoảng 1,6 tỷ đồng, không làm ảnh hưởng nhiều đến các địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT):

Việc giảm phí đường bộ cho doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và việc giảm phí này không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn bảo trì đường bộ.

Hiện nay, việc giảm phí bảo trì đường bộ được thực hiện tại các Trung tâm Đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện.

Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà (Thái Bình):

Dù đã có quy định về miễn phí bảo trì đường bộ với xe dừng kinh doanh liên tục 30 ngày trở lên nhưng thủ tục phức tạp. Doanh nghiệp phải gửi sở GTVT phê duyệt thủ tục mới được chấp nhận giảm. Đặc biệt, trong thời gian này, xe sẽ bị tạm thời thu hồi phù hiệu, khi tái hoạt động phải xin cấp lại thủ tục rất mất thời gian. Do đó, thủ tục để miễn loại phí này cũng cần đơn giản hơn, sát thực tế hơn với hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

TRUNG THÀNH thực hiện