Có nên thu phí xử lý bã kẹo cao su?

ĐỖ HUYỀN 04/10/2021 00:06

Vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh việc coi "kẹo cao su" và thực phẩm là những sản phẩm độc hại.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tại dự thảo, có một đề xuất khiến dư luận quan tâm, đó là việc nhà sản xuất, nhập khẩu dự kiến phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.

Thu phí xử lý bã kẹo cao su, chế biến thực phẩm. Ảnh minh hoạ, nguồn AFP.

Thu phí xử lý bã kẹo cao su, chế biến thực phẩm. Ảnh minh hoạ, nguồn AFP.

Lý giải cho điều này, dự thảo Nghị định nêu, kẹo cao su, xét cho cùng là một phát minh tuyệt vời của nhân loại. Mặc dù lượng polyisobutene ở kẹo cao su không đủ để gây hại cho người sử dụng, nhưng nguyên liệu này ngăn không cho bã kẹo phân hủy sinh học. Điều đó khiến cho các nhà khoa học môi trường cho rằng, kẹo cao su là nguồn rác lớn thứ hai trên thế giới, sau tàn thuốc.

Đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định cứng nhắc danh mục các sản phẩm kèm theo mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải tại Phụ lục 61 là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, nhiều hiệp hội ngành hàng của EU như Euro Charm, Hiệp hội thực phẩm Ý đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại về dự thảo quy định nêu trên khi coi "kẹo cao su" và thực phẩm là những sản phẩm độc hại, khó tái chế.

Những hiệp hội ngành này cho rằng, chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất phải căn cứ trên mức độ tác động về sức khỏe cộng đồng, môi trường, tỉ lệ tiêu dùng trong tổng quy mô về chất thải và tính hiệu quả của các biện pháp EPR (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng giúp một doanh nghiệp có thể sử dụng để thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh của mình) đối với việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xả thải.

Dưới góc độ của nhà sản xuất, nhập khẩu, ông Ông Edwin Seah, Hiệp hội ngành thực phẩm châu Á (FIA) cho rằng, các cơ quan chức năng nên cân nhắc về việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường để thu gom, xử lý chất thải.

Ông Edwin Seah cho hay, việc thải bỏ bã kẹo cao su không đúng cách chủ yếu là do vấn đề thiếu ý thức từ người tiêu dùng về việc thải bỏ sản phẩm đúng cách. Chính vì vậy, việc buộc nhà sản xuất kẹo cao su thực hiện EPR không đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề rác thải kẹo cao su. Thậm chí, mức phí được đề xuất sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và do đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, bởi các nhà sản xuất kẹo cao su có nhà máy ở Việt Nam và đang sử dụng lao động địa phương.

 Bã kẹo cao su không chỉ là chất thải phổ biến mà còn không thể phân hủy sinh học.

Bã kẹo cao su không chỉ là chất thải phổ biến mà còn không thể phân hủy sinh học.

Trong khi đó, bày tỏ sự đồng ý về quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Hoàng Phượng, một chuyên gia chính sách và pháp luật bày tỏ: Ở Việt Nam, bã kẹo cao su ở khắp mọi nơi, từ di tích, vỉa hè, ghế đá, nhà hát. Việc làm sạch bã kẹo cao su rất mất thời gian và công sức. Trên thế giới cũng thế, mỗi năm nước Anh phải chi hơn 400 triệu bảng Anh cho việc dọn dẹp đường phố vì bã kẹo cao su…

Hiện, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định nghiêm khắc về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với kẹo cao su. Điển hình như, Singapore ban hành lệnh cấm hoàn toàn kẹo cao su vào năm 1992; Hàn Quốc áp chi phí 1,8 % giá bán hoặc nhập khẩu từ năm 1993; Pháp sẽ áp dụng trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất từ năm 2024…

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong 2 hình thức: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm.

Với quy định trên, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định, việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm doanh nghiệp phải đóng góp Quỹ bảo vệ môi trường là hợp lý để chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà nước và người dân trong việc thu gom, xử lý chất thải khó phân hủy.

Có chung quan điểm, bà Nguyễn Hoàng Phượng cho rằng bã kẹo cao su cũng được coi là chất thải sinh hoạt. Do vậy, nguồn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường có thể dùng một phần để tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc thải bỏ đúng cách, hoặc lựa chọn các sản phẩm thay thế ít tác động hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo vệ môi trường khu vực làng nghề Yêu cầu cấp bách

    18:38, 30/09/2021

  • Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định không hợp lý

    04:55, 27/09/2021

  • Thủy sản gặp khó trước dự thảo Nghị định về bảo vệ môi trường

    04:20, 20/09/2021

  • Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020: Khó chồng khó cho doanh nghiệp

    10:41, 22/09/2021

ĐỖ HUYỀN