Phục hồi kinh tế: Hãy cấp cứu “doanh nghiệp” theo cách phi truyền thống
"Để phục hồi kinh tế, giải pháp phải mạnh và ngay lập tức, cách thức ứng xử phải phi truyền thống chứ nếu cứ áp dụng hành chính tuần tự như vừa rồi thì rất khó với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Chương trình phục hồi, phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Ở thời điểm hiện tại, một chương trình đa mục tiêu và quy mô lớn như vậy là khẩn cấp và cần thiết để ứng phó với mức độ tàn khốc của dịch bệnh cũng như ngăn chặn rủi ro suy thoái kinh tế chưa từng có trong “lịch sử thống kê”.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chương trình này được thiết kế với liều lượng như thế nào để đủ tầm với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng lại phải không gây bất ổn vĩ mô, đó để nền kinh tế không “lỡ nhịp” với thế giới lại là vấn đề không hề đơn giản.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết trong gần hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 hoành hành, tàn phá cả thế giới. Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, như vậy, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Cuộc chiến chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Trong khi đó, người chắp bút viết Dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế-xã hội 2021-2030, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu không có chương trình phục hồi thì rất khó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của 2022-2024 sau khi liên tục 2 năm nay đã không đạt mục tiêu.
Ông Cung cho rằng, so với giai đoạn 1999-2011, chính sách bây giờ tốt hơn nhiều. Lạm phát ổn định, tài chính tuy có rủi ro nhưng vẫn vững chắc, bội chi ngân sách và nợ công đã giảm nhiều so với GDP. Cán cân đối ngoại vẫn tốt, thị trường ngoại tệ cao gấp 4 lần thời kỳ trước.
“Dư địa chính sách nhỏ hay to, còn hay không do chúng ta tự quan niệm, đánh giá. Tôi cho rằng đến lúc này cần mạnh chi, nếu không chi là có tội. Không thể chi tiêu bủn xỉn như thời gian vừa rồi trong đại họa như thế này”, ông Cung nói.
“Giải pháp phải mạnh và ngay lập tức, cách thức ứng xử phải phi truyền thống chứ nếu cứ áp dụng hành chính tuần tự như vừa rồi thì rất khó với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng”, ông nói.
Góp ý về chương trình phục hồi, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm thứ nhất là tăng cường năng lực kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế.
Trong nhóm này tập trung vào tìm kiếm cung ứng đủ vắc xin; việc ban hành quy định kiểm soát dịch bệnh để mở lại nền kinh tế do Thủ tướng hoặc Chính phủ ban hành; đồng thời tăng cường năng lực hệ thống y tế.
Nhóm thứ hai, theo ông Cung, đó là nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Trong đó có hỗ trợ tín dụng, giảm chi phí (đặc biệt những khoản phí mà doanh nghiệp lỗ cũng phải nộp) trong 2 năm liên tiếp, giảm tiền điện, hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho một số ngành bị tê liệt như du lịch, hàng không, miễn phí công đoàn 3 năm liền…
Nhóm thứ ba, ông Nguyễn Đình Cung cho biết đó nhóm giải pháp kích thích đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Nhóm 4 là hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.
Nhóm 5 là cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản…
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi kinh tế - Cần ưu tiên giải bài toán thiếu hụt lao động
04:50, 08/10/2021
“Chìa khóa” cho phục hồi kinh tế: (Kỳ 3) Động lực từ đầu tư công
04:00, 08/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: VCCI và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm vượt khó, phục hồi kinh tế
18:07, 07/10/2021
“Chìa khóa” cho phục hồi kinh tế: (Kỳ 2) Bốn giải pháp vực lại đà tăng trưởng
04:30, 07/10/2021