Phục hồi kinh tế: 3 điểm cần lưu ý về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

ĐỖ HUYỀN 15/10/2021 00:06

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần những chương trình hỗ trợ đủ dài, đủ lớn để nền kinh tế bật dậy sau cú sốc mang tên COVID-19.

Trước những tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, cùng với sự nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất. tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 9 tháng đầu năm tăng 1,42%.

Doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trước dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 và 2021 - Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trước dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 và 2021 - Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động và làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Trong thời gian này, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ được tung ra đúng đắn và kịp thời, nhưng khi triển khai ở các cấp lại vướng nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp tiếp cận khó khăn, không phát huy được hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Chương trình phục hồi, phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Một trong những trọng tâm của đề án này là vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp. Góp ý cho vấn đề này, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng để xây dựng và thực hiện tốt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói trên, có 3 điểm cần được lưu ý.

Một là quá trình hồi phục diễn ra trong một thế giới đầy rủi ro, bất định, không ai lường hết được tần suất, quy mô, phạm vi của các cú sốc, thiên tai, dịch bệnh...

Ngoài ra, việc thực hiện chương trình hỗ trợ cũng có thể đưa lại những rủi ro vĩ mô về lạm phát, tài khóa. Do đó, quản trị rủi ro là một phần không thể thiếu để tạo nên tính linh hoạt, chủ động.

Hai là nguồn lực, nhìn tổng quan, các gói hỗ trợ của Việt Nam so với thế giới vẫn còn khiêm tốn. Gói hỗ trợ về tiền tệ mới đạt mức trung bình trong khi hỗ trợ về tài khóa khá hạn hẹp, dựa quá nhiều về thuế mà ít chi trực tiếp.

Lần này, chương trình hỗ trợ sẽ phải lớn hơn, mạnh hơn. Chính phủ hiện đang có 3 điều kiện để mạnh tay: nợ công đang thấp, tạo dư địa vay mượn khá lớn; dự trữ ngoại tệ lớn hầu như chưa sử dụng và mức độ thâm hụt ngân sách có thể chấp nhận ở một mức cao hơn.

Ba là quá trình thực thi, rút kinh nghiệm của 2 lần triển khai, các gói hỗ trợ mới cần được thiết kế gọn, dễ thực hiện, tạo điều kiện cho cơ sở triển khai kịp thời và quyết liệt. Kỳ vọng rằng đây sẽ là chương trình tốt, đem lại hiệu quả thực tế là phục hồi kinh tế, tạo nền tảng cho sự bứt phá trong những năm tiếp theo. Chỉ có như vậy, những kế hoạch 5 năm mà Chính phủ đặt ra mới có thể trở thành hiện thực. 

Có thể bạn quan tâm

  • WB: GDP năm 2021 đạt 2,0-2,5%, cần sớm phục hồi kinh tế

    04:00, 14/10/2021

  • Phục hồi kinh tế: Cần đa dạng kênh tiếp cận vốn giá rẻ

    04:10, 11/10/2021

  • Phục hồi kinh tế nhìn từ thế giới

    05:00, 10/10/2021

  • Phục hồi kinh tế: Hãy cấp cứu “doanh nghiệp” theo cách phi truyền thống

    04:30, 09/10/2021

  • Phục hồi kinh tế - Cần ưu tiên giải bài toán thiếu hụt lao động

    04:50, 08/10/2021

  • “Chìa khóa” cho phục hồi kinh tế: (Kỳ 3) Động lực từ đầu tư công

    04:00, 08/10/2021

ĐỖ HUYỀN