Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Băn khoăn quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

ĐỖ HUYỀN 21/10/2021 04:20

Sau nhiều năm, dù có quy định trong Luật Điện ảnh nhưng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa hình thành. Vấn đề này tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 Điều 45, 46, 47 cho nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập nhằm hỗ trợ dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…

Theo dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết về thi hành Luật điện ảnh (sửa đổi), việc đóng góp cho quỹ điện ảnh đang là bắt buộc đối với doanh nghiệp. Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang có ý kiến khác nhau.

Việc đóng góp cho quỹ điện ảnh đang là bắt buộc đối với doanh nghiệp. Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang có ý kiến khác nhau.

Cần các chính sách phù hợp

Theo Dự thảo, việc thành lập Quỹ cũng nhằm mục đích cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các không gian sáng tạo về điện ảnh và các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ không vì lợi nhuận; bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh. Quỹ không hỗ trợ các dự án sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước…

Về vấn đề này, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, ở nhiều nước đã có Quỹ Điện ảnh từ lâu, hoạt động hiệu quả với nhiệm vụ chính là cải thiện chất lượng điện ảnh và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Ở Việt Nam, Luật Điện ảnh hiện hành và Nghị định định 54/2010 hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Điện ảnh đã có các điều quy định việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng chưa thực hiện được. Do đó, cần quan tâm đến tính khả thi của việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và muốn khả thi thì phải xây dựng được các chính sách phù hợp.

TS Ngô Phương Lan cho rằng, trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, nội dung về thành lập Quỹ, mục đích của Quỹ còn dàn trải, mục tiêu hỗ trợ của Quỹ không tập trung sẽ dẫn đến không hiệu quả; việc hỗ trợ của Quỹ có những phần trùng lặp với các mục chi từ ngân sách và các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh. Nhất là "Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường quay bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt" rất cần cân nhắc, vì đây là hạng mục liên quan đến quy hoạch ít liên quan đến các mục đích khác của Quỹ, do đó không khả thi.

Trên thực tế, Luật điện ảnh năm 2006 đã quy định về quỹ điện ảnh song đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trên thực tế, Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định về quỹ điện ảnh song đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Để khắc phục những vướng mắc hiện nay chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm từ các Quỹ điện ảnh thành công trên thế giới, gần với Việt Nam nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, được quy định trong "Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc".

Quỹ điện ảnh cần minh bạch

Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty giải trí Thaole Entertainment khẳng định, doanh nghiệp rất muốn hỗ trợ điện ảnh nước nhà và có thể kêu gọi nhau cùng chung tay. Song quỹ cần thể hiện được sự hiệu quả, có kế hoạch cụ thể, ai quản lý và doanh nghiệp được hưởng lợi thế nào, dự án nào được đầu tư ra sao...

“Đơn vị nào cũng phải lo cơm áo gạo tiền, lo sản xuất… Vì vậy họ sẽ đầu tư cho những diễn viên, gương mặt của riêng mình và trở thành sự khác biệt để cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nếu quỹ không đi ra từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp không dễ phối hợp vào. Từ kinh nghiệm của tôi, doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ để chung tay làm điều gì lớn, nhất là khi nhiều công ty phải lao tâm khổ tứ lo 'vượt bão' COVID-19”, bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Viết Lượng khẳng định đã nắm được mong muốn của cơ quan soạn thảo và các bên, khẳng định sự cần thiết của quỹ trong việc hỗ trợ phim độc lập, thể nghiệm, tài năng điện ảnh, cũng như nhiều vấn đề đặc thù khác của ngành này.

Song ông cũng cho biết phần giải trình trước Quốc hội chưa chỉ rõ lý do vì sao 15 năm nay quỹ chưa hoạt động, vẫn để ngỏ các câu hỏi: “Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có đảm bảo không? Quy định từ các nguồn thu có ảnh hưởng đến tổ chức cá nhân hay không, có khả thi và đủ độc lập để duy trì quỹ lâu dài được không?”.

Ông Lượng khẳng định quỹ cần có sự minh bạch, công khai trong quản lý, hiệu quả để đáp ứng sự mong mỏi của các tổ chức cá nhân đóng góp. Ở đây cơ quan soạn đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm, giải trình làm rõ những băn khoăn của cơ quan thẩm tra… Hiện nay cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã gửi ý kiến trong tờ trình Chính phủ, nhưng vẫn đang chờ ý kiến của đại biểu Quốc hội để có chỉnh lý phù hợp.

Ông cũng cho biết quy định về quỹ là một trong ba nội dung được thống nhất sẽ đưa ra thảo luận với Quốc hội trong kỳ họp thứ hai tới đây. Hai nội dung còn lại xoay quanh cơ chế làm phim đặt hàng nhà nước và quản lý phổ biến phim trên không gian mạng.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim

    05:20, 30/12/2019

  • COVID-19 và cú đánh vào ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ

    05:30, 06/10/2020

  • VCCI kiến nghị bãi bỏ nhiều loại giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh

    11:30, 04/10/2019

ĐỖ HUYỀN