Luật Điện ảnh (sửa đổi): Điện ảnh cần có không gian sáng tạo
Tại sao trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy?
ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ngày 23/10.
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh quan điểm, khi xây dựng luật cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế. Đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh.
Khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đánh giá, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm tính thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng chính trị.
Cho rằng văn hóa nghệ thuật là phải chú trọng con người, ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) bình luận, nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, mỗi năm, họ đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh, so với số tiền đầu tư họ thu lại rất nhiều, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến, và thống lĩnh thị trường.
“Tại sao trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Vỹ tuyến 17, mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy?”, ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến bày tỏ.
Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến, tiếc rằng trong dự án luật, đang thiếu chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mà dường như chỉ nhấn mạnh quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không?
Quan tâm đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ.
“Nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn”, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu đề xuất.
Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản nhất trí về tên gọi, bố cục, phạm vi, nội dung sửa đổi và sự cần thiết ban hành luật. Đồng thời cho rằng, dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển triển đất nước, xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, các đại biểu Vĩnh Phúc đề nghị quy định cụ thể các hoạt động điện ảnh; bổ sung thêm quy định về giải thích khái niệm và chỉnh sửa một số từ ngữ để phù hợp hơn với văn bản luật; có chính sách khuyến khích để tập thể, cá nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh.
Đồng thời, cân nhắc quy định phổ biến phim trên không gian mạng và quy định Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định pháp luật để bảo đảm tính khả thi của luật, vì hiện nay khả năng nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật của nước ta còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát việc chấp hành của các chủ thể phổ biến phim trên mạng, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, các đại biểu Vĩnh Phúc cũng bày tỏ băn khoăn về việc quy định thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh trong dự thảo luật, vì thực tế Luật Điện ảnh hiện hành đã quy định vấn đề này, nhưng thực tế không khả thi như báo cáo tổng kết thi hành luật đã nêu.
“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm, sự cần thiết thành lập, căn cứ có khả năng tài chính độc lập và cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm bảo đảm tính thuyết phục về căn cứ pháp lý, thực tiễn để quy định đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi trong tổ chức thực hiện luật”, đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
05:00, 23/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội
20:55, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung
12:38, 22/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
06:00, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"
15:42, 21/10/2021
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành kiến nghị tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh
16:34, 20/10/2021