Thị trường bảo hiểm phải trở thành nguồn lực quan trọng
Mong muốn thời gian tới chúng ta sẽ có những tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn của thế giới.
ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo tại tổ về Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 25/10.
Theo ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng, bây giờ là thời điểm rất cần sửa đổi, ban hành và nếu cần thiết có thể để luật này dưới một tên gọi nào đó, nhưng phải rất mới, thể hiện được tinh thần kinh doanh bảo hiểm cũng phải bám rất sát mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, để làm cho thị trường bảo hiểm có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Không để mất thị trường
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng, thực tế hiện nay thị trường bảo hiểm đang đứng trước thách thức, cạnh tranh lớn. Đó là các tập đoàn, công ty bảo hiểm lớn đến từ nhiều nước trên thế giới, đang thu hút nguồn lực rất lớn ở thị trường Việt Nam vì họ có bề dày kinh nghiệm, sản phẩm dịch vụ phong phú hấp dẫn nên người có tiền tham gia tích cực.
“Đây là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mất thị trường trong nước, giống như thị trường bán lẻ. Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để sửa luật cho đúng, thích ứng với những thay đổi hiện nay của đất nước”, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng nói.
Quan tâm đặc biệt đến sự tham gia thị trường này của tư nhân, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho các cá nhân của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đặt vấn đề tại sao cho phép các công ty, tập đoàn nước ngoài kinh doanh trên thị trường Việt Nam, mà lại không có điều kiện để khuyến khích, mở cơ hội cho người Việt Nam tham gia lĩnh vực này, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nếu khéo tổ chức, thì đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng để tái đầu tư phát triển KT-XH.
“Đã là kinh doanh thì phải mở cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, cần cho cả khu vực tư nhân trong nước. Tôi rất muốn, tới đây sẽ có tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn của thế giới”, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm.
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, một nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Quốc hội lần này, nhưng ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, dự thảo quy định còn sơ sài, không quy định tổ chức nào được phép và tổ chức nào không được phép tham gia, vì vậy, dự thảo cần quy định rõ.
Nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô cũng chứa nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, từ quản lý tài chính đến quản trị tài chính, cần kiểm soát chặt, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng, “dự thảo cần nghiên cứu theo hướng thay vì tạo ra các tổ chức bảo hiểm vi mô, thì cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp họ làm sẽ hiệu quả hơn”.
“Với điều kiện đặc thù hiện nay, nhiều đại lý, nhiều môi giới chỉ quan tâm bán được bảo hiểm mà không quan tâm đến quyền lợi của người mua nên vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, phức tạp”, ĐBQH Nguyễn Phi Thường chia sẻ.
Dẫn chiếu bảo hiểm bắt buộc còn “vòng vo”
Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần nghiên cứu lại bố cục giữa các chương của dự thảo luật cho cân đối, cân nhắc chỉ áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù về kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghiên cứu, rà soát các khái niệm để thống nhất cách hiểu đối với cùng một khái niệm giữa luật này và các luật khác, đồng nhất trong triển khai áp dụng các văn bản luật, tránh phát sinh vướng mắc.
“Đề nghị bổ sung quy định rõ việc thu thập, sử dụng, cung cấp dữ liệu thông tin về người mua bảo hiểm thì phải được người đó đồng ý tại khoản 2 Điều 6. Các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 có điểm trùng lặp, cần xem xét lại”, đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc đề xuất.
Ngoài ra, theo các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, quy định về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại dự thảo luật còn quá chung chung và không đủ mạnh, không đủ hấp dẫn, đề nghị quy định cụ thể từng chính sách của nhà nước đủ mạnh để phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Việc dẫn chiếu về bảo hiểm bắt buộc còn “vòng vo”, rất khó hiểu, chưa khoa học. Đánh giá thêm về sự cần thiết, về kinh phí, về việc sử dụng ngân sách nhà nước có phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 chưa có sự thống nhất, cần nghiên cứu chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, một số ĐBQH Vĩnh Phúc có ý kiến cần giải trình rõ hơn về quy định tài sản góp vốn và chính sửa quy định thanh tra hoạt động bảo hiểm vì còn chưa phù hợp và đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Cần xem xét các nội dung tại khoản 2 Điều 12 cho thống nhất với khoản 3, Điều 67 về hợp đồng bảo hiểm; bổ sung 2 nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng tại khoản 1 Điều 14, bổ sung cụm từ “nhưng không trái với Bộ luật Dân sự” tại khoản 2 Điều 14 để thống nhất và tuân theo nguyên tắc chung không trái pháp luật.
Ngoài ra, đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc còn đề nghị xem xét, bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xác nhận, xác định sự kiện bảo hiểm và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc báo tin về việc phát sinh sự kiện bảo hiểm để phù hợp với thực tiễn đã và đang diễn ra, làm tăng trách nhiệm của các bên trong quan hệ bảo hiểm.
Quy định cụ thể khoảng thời gian bên mua bảo hiểm được chậm đóng đủ phí bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm, tránh trường hợp đóng đủ phí bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm, tránh trường hợp bên bán bảo hiểm tùy nghi chấm dứt hợp đồng; xem xét quy định thời hạn thông báo cho người chậm đóng phí bảo hiểm để họ lựa chọn, tránh vi phạm dẫn đến bị chấm dứt hợp đồng.
Đồng thời, cần bổ sung quy định đại lý bảo hiểm không được trực tiếp thu phí và nhận bất kỳ khoản tiền nào từ người mua bảo hiểm và quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được ủy quyền cho đại lý, môi giới bảo hiểm thu phí bảo hiểm và cùng với đó cần quy định toàn bộ giao dịch về phí bảo hiểm phải thông qua tài khoản chính thống của doanh nghiệp bảo hiểm mở tại ngân hàng được phép hoạt động.
Bổ sung quy định về vai trò của chính quyền địa phương đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cụ thể là Sở Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh sẽ đại diện cho UBND cấp tỉnh thực hiện vai trò quản lý nhà nước về công tác kinh doanh bảo hiểm tại địa phương.
Cần tìm ra chiều hướng phát triển
Thông tin thêm về lĩnh vực bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bảo hiểm vi mô là một hình thức có tính đặc thù. Đối với hình thức bảo hiểm này số lượng người tham gia đông, nhưng chủ yếu là những người yếu thế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy mô của mỗi hợp đồng bảo hiểm này khoảng tầm 50 triệu đồng, là con số nhỏ. Nhưng lực lượng làm không chuyên nghiệp, lợi nhuận thấp nên ít tham gia mà chủ yếu là dùng số lượng cán bộ, công chức kiêm nhiệm để thực hiện hình thức này, chứ còn để hạch toán riêng biệt chi phí, trả lương đầy đủ thì việc hoạt động khó hiệu quả. Tuy nhiên, điều này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế rất tốt.
Đồng ý quan điểm phải bổ sung sửa đổi, nhưng vấn đề không phải chỉ sửa đổi, bổ sung đối với những tồn tại, thách thức mà vấn đề là tìm ra chiều hướng phát triển, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho hay, ông chưa nhận thấy những điểm nổi bật ở nội dung phát triển thị trường bảo hiểm.
Quan tâm tới quy định về bồi hoàn bảo hiểm trong dự thảo luật, ĐBQH Lê Văn Khảm cho biết, trong dự thảo luật lần này cũng như luật cũ có đề cập quy định để loại trừ trường hợp bảo hiểm nhân thọ do tự tử trong vòng 2 năm sau khi ký hợp đồng, nhằm loại trừ các trường hợp trục lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng, tự tử chỉ rơi vào một số trường hợp như tâm thần, sự cố bất ngờ, như phụ nữ sau sinh hay bị trầm cảm, có người đã tự tử… thì những đối tượng đó không hẳn có lý do trục lợi. Vì thế nếu quy định như luật thì nên cân nhắc.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố tụng hình sự
05:01, 25/10/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai
18:55, 23/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung
12:38, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ
22:20, 21/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"
15:42, 21/10/2021