Làm rõ chính sách về quyền tác giả

NGUYỄN VIỆT 26/10/2021 16:43

Đây là một trong số các đề xuất của ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 26/10.

Cụ thể, về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đại biểu Quốc hội Dương Bình Phú chỉ rõ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định vị thế, đồng thời góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế, phục vụ tích cực cho việc xuất khẩu. 

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Do đó, vấn đề đặt ra cho các tỉnh/thành phố trên cả nước là quản lý làm sao cho hiệu quả để thực sự nâng cao được giá trị của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Hiện nay, quy định về quản lý các chỉ dẫn địa lý chưa cụ thể. Ví dụ, ở địa phương thì cơ quan nào, tổ chức nào quản lý là phù hợp nhất, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dân?

Luật đã quy định quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý thuộc về nhà nước và nhà nước giao quyền quản lý cho địa phương, nhưng ở địa phương thì UBND hoặc Hiệp hội ngành nghề sẽ được giao quyền quản lý. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là nhằm thêm cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhưng Cơ quan quản lý nào cũng đều có những bất cập nhất định.

Vì vậy, đại biểu Phú đề nghị, khi đã giao quyền quản lý, thì văn bản quy định chi tiết của Chính phủ phải quy định rõ cơ chế quản lý để kiểm soát chất lượng, quy trình, rồi cách thức sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Về bảo hộ quyền tác giả cần phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, để phát huy tốt nhất sức sáng tạo của mọi người trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp.

Do đó, cần làm rõ chính sách về quyền tác giả trong bối cảnh “nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT”, đặc biệt là mức độ và cách thức bảo hộ; bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng (ví dụ như liên quan đến văn hóa truyền thống); đảm bảo khai thác hiệu quả đối tượng quyền tác giả tạo ra từ ngân sách.

Theo đại biểu Phú, cần có một chính sách mới được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ về việc Nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, để các đối tượng này dễ dàng được khai thác và thương mại hóa.

Do vậy ở Điều 8 Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả góp phần tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn; đồng thời, bổ sung chính sách rõ ràng về các đối tượng quyền tác giả đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách “đổi mới”.

Bên cạnh đó, cần có một chính sách mới của Nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, để các đối tượng này dễ dàng được khai thác và thương mại hóa.

Đại biểu Phú cũng cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhấn mạnh trường hợp truyền đạt đến công chúng “mỗi Bên phải quy định cho tác giả độc quyền cho phép hoặc cấm truyền đạt tới công chúng tác phẩm của mình, bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc phổ biến đến công chúng tác phẩm của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận các tác phẩm này từ địa điểm và tại thời điểm do chính họ lựa chọn”. Trường hợp này, không được xem là sao chép tác phẩm.

Tuy nhiên, sự giới hạn quyền truyền đạt đến công chúng cũng cần thiết phải được quy định chi tiết, rõ ràng hơn, bởi các trường hợp công bố, tiết lộ thông tin của tác phẩm hiện khá phổ biến, gây thiệt hại đến chủ thể có quyền đối với tác phẩm.

Do vậy, ở Điều 20 về quyền tài sản, đại biểu Phú đề xuất bổ sung thêm các dấu hiệu vi phạm quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng qua mạng internet bao gồm 2 đặc điểm.

Có hành vi kiếm thu nhập từ các trang web, dịch vụ internet có dấu hiệu truyền đạt tác phẩm tới công chúng, kể cả hình thức tìm kiếm thu nhập gián tiếp, không sử dụng chính các tác phẩm bị xâm hại.

ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu tại điểm cầu tỉnh Phú Yên.

ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu tại điểm cầu tỉnh Phú Yên.

Có hành vi truyền đạt các tác phẩm trái phép, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp một cách đáng kể cho người sử dụng trang web, dịch vụ internet tiếp cận với các tác phẩm được truyền đạt trái phép.

Việc nhấn mạnh yếu tố sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể dẫn đến những diễn giải sai lệch rằng người nào đầu tư tài chính, cở sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm là tác giả; những người cùng đóng góp thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra tác phẩm là đồng tác giả.

Tác phẩm là một sản phẩm sáng tạo tinh thần, do đó, người đầu tư tài chính, cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật không thể coi là đồng tác giả, trừ khi họ là những người trực tiếp có hoạt động sáng tạo tác phẩm, thể hiện dấu ấn sáng tạo của cá nhân tác giả.

Do vậy, ở Điều 37 về chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả, đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị chỉnh sửa: “Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng quy định tại Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ”.

Đối với nhãn hiệu tập thể, đại biểu Phú lưu ý, bất cứ tổ chức, cá nhân nào là thành viên của tổ chức tập thể đó đều có thể được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể nếu có nguyện vọng sử dụng nhãn hiệu này và đáp ứng các điều kiện mà chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đặt ra.

Việc trao quyền sử dụng từ chủ sở hữu cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu về bản chất không thuộc trường hợp chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Khi được trao quyền sử dụng, các tổ chức cá nhân này chỉ được phép sử dụng mà không có quyền định đoạt đối với nhãn hiệu tập thể đó, dù là trao lại quyền sử dụng mà mình nhận được.

Quyền này chỉ thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể. Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 142 là chưa thật phù hợp về bản chất đối với việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Đại biểu Phú đề nghị sửa đổi khoản 1 như sau: “Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tên thương mại không được chuyển giao”; bãi bỏ khoản 2 “Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay, Quốc hội họp về Luật Sở hữu trí tuệ

    05:00, 26/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

    20:55, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"

    15:42, 21/10/2021

  • Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành kiến nghị tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh

    16:34, 20/10/2021

NGUYỄN VIỆT