Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Còn những quy định trúc trắc, khó hiểu
Quy định doanh nghiệp phải công khai quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp chưa thực tế.
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được trình Quốc hội khóa XV xem xét, góp ý tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (sau đây gọi là Dự thảo) vẫn còn những quy định trúc trắc, khó hiểu và nếu đi vào thực tế có thể tạo ra xung đột pháp lý trong lĩnh vực này.
Được biết, Điều 21 Dự thảo quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp phải công khai quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cùng với đó, tại Điều 21 Dự thảo cũng đề nghị bên mua bảo hiểm đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, cũng tại Điều 21 Dự thảo quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm chứng minh đã thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 21 Dự thảo trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
Từ kinh nghiệm của một người giải quyết những vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, tôi cho rằng quy định doanh nghiệp phải công khai quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm muốn thực thi phải đáp ứng 3 mục tiêu.
Thứ nhất, trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ hai, cơ chế quản trị hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ ba, cơ chế hỗ trợ việc giải thích hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, hiện tại, các quy định tại Điều 21 chưa đáp ứng được 3 mục tiêu trên. Do đó, nếu đi vào thực thi, điều khoản này có thể gây khó cho doanh nghiệp.
Vậy làm thế nào để sửa đổi quy định này? Trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng chúng ta cần phải lưu ý những vấn đề sau.
Thứ nhất, về các quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm phải được lưu trữ và công khai các bản cũ và bản hiện hành, thời điểm có hiệu lực của từng quy tắc vì liên quan mật thiết với giải thích hợp đồng bảo hiểm, như quy định tại khoản 3 và khoản 4 và Điều 112 của Dự thảo Luật.
Thứ hai, với cơ chế giải thích tại khoản 3 Điều 21 (về trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm) cần phải được làm rõ là trách nhiệm giải thích chủ động hay trách nhiệm giải thích theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm. Hiện nay điểm b, khoản 2, Điều 19 Dự thảo quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ “Kê khai đầy đủ, chính xác mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Điều 20 của Luật này”.
Như vậy, quy định cung cấp thông tin hay giải thích trên cơ sở yêu cầu của bên còn lại trong hợp đồng sẽ đảm bảo bình đẳng hơn cho các bên, đảm bảo tính khả thi trong thực tế của quy định. Đặc biệt khi một trong các nguyên tắc giải thích hợp đồng nói chung là “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia” (khoản 6, Điều 404 của Bộ Luật Dân sự 2015).
Theo đó, bên mua bảo hiểm luôn là bên có lợi khi giải thích hợp đồng bảo hiểm khi có điều khoản bất lợi bởi hợp đồng bảo hiểm là một dạng hợp đồng mẫu do doanh nghiệp bảo hiểm soạn thảo.
Cuối cùng, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không chứng minh được theo quy định tại Khoản 4 của Dự thảo thì chế tài áp dụng đối với doanh nghiệp là như thế nào? Ví dụ doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi quy tắc bảo hiểm nhưng lại không đăng tải quy tắc cũ thì người mua bảo hiểm không thể tiếp cận để lấy thông tin để có thể bảo đảm được quyền lợi của mình.
Do đó, cần quy định bắt buộc phải công khai vĩnh viễn về quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm ở khoản 1 Điều 21 Dự thảo (Yêu cầu đối với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm qua môi trường mạng).
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội
20:55, 22/10/2021
Luật Bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc
18:00, 22/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
06:00, 22/10/2021