Cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương: Thêm động lực, thêm cực tăng trưởng

NGUYỄN VIỆT 27/10/2021 16:00

Mỗi địa phương có điều kiện, trình độ, khả năng phát triển khác nhau, nếu muốn các địa phương có tiềm năng phát triển nhanh hơn thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận về các dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên – Huế, ngày 27/10.

Phiên họp trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 27/10 - Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Phiên họp trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 27/10 - Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm và áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với từng chính sách đều có ý kiến đề nghị đánh giá thêm một số mặt.

Tạo cực tăng trưởng

Ví dụ, vấn đề nâng thêm trần nợ vay, bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu và việc quản lý đất đai, phân cấp quản lý cho địa phương chuyển đổi đất rừng, đất lúa và điều chỉnh quy hoạch và nhiều ý kiến nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ với đất rừng đầu nguồn, đất rừng phòng hộ cần có giám sát, quản lý chặt chẽ và có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu về mô hình khu thương mại tự do ở Hải Phòng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mỗi địa phương có điều kiện, trình độ, khả năng phát triển khác nhau, nếu muốn các địa phương có tiềm năng phát triển nhanh hơn thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa để đảm bảo phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực làm đầu tàu để phát triển nhưng cũng phải quan tâm hài hòa với các địa phương khác.

Đảng và Nhà nước luôn luôn chú trọng hài hòa phát triển cho các vùng, miền. Chúng ta đã có rất nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư cho các vùng khó khăn. Rất nhiều chương trình, mục tiêu đều nằm ở các vùng này và hiện nay còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù thí điểm ở 4 tỉnh, thành có điều kiện bứt phá, chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật.

“Chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương. Nghị quyết phân cấp và có cơ chế giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Phân tích cụ thể từng vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định chính sách dư nợ vay của các địa phương phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và khả năng trả nợ của từng địa phương. Ví dụ như TP.HCM, Hà Nội là 90% hay Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 40%, trong khi đó Thanh Hóa là 60%...

Việc tăng mức dư nợ vay của địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn và bội chi ngân sách nhà nước, trần nợ công của cả nước được Quốc hội xem xét, quyết định hằng năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trên thực tế một số địa phương chưa sử dụng hết dư nợ nhưng có được cơ chế này thì các địa phương sẽ chủ động tính toán nhu cầu của mình và thu xếp các nguồn vay cũng như tính toán hiệu quả của các dự án. Mục đích là chi đầu tư phát triển chứ không được dùng để chi thường xuyên.

Về vấn đề bổ sung có mục tiêu từ tiền tăng thu trên địa bàn của các tỉnh, thành phố, phải đảm bảo hai điều kiện khống chế. Thứ nhất, không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu của năm trước. Thứ hai, ngân sách Trung ương không hụt thu.

“Chính sách này vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và khả năng thực tế hỗ trợ của Trung ương để tránh việc dự toán không sát thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về chính sách phí và lệ phí trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, đây là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho HĐND cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt quyết định nhằm bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả.

“Có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, nếu điều chỉnh không có kiểm soát, không có lộ trình thì sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp, người dân. Chúng tôi cũng thống nhất là phải có lộ trình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất lập khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với thành phố Hải Phòng nghiên cứu đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi sau đó trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Về ý kiến đề xuất nghiên cứu các chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu bổ sung phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên cơ sở diện tích hay quy mô dân số cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Địa phương phải có trách nhiệm cao nhất

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các điểm cầu nhất trí ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa).

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa).

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương này sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở, cơ chế, chính sách cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy để bứt phá nhanh phát triển kinh tế - xã hội, có sức lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng.

Theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, Thành phố Hải Phòng những năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng rất cao, kể cả về thu ngân sách, thu hút đầu tư và sẽ là động lực tăng trưởng của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là thành phố kiểu mẫu của cả nước và khu vực.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương còn tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có diện tích lớn, dân số đông, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu được Quốc hội cho thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có thay đổi về quy hoạch, tổ chức bộ máy, nhất là nguồn lực để đầu tư phát triển.

Thực tế, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đều đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, đây là điều kiện cần và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách, đặc thù là điều kiện đủ, đại biểu tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội).

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội).

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho biết, những nội dung, nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp trên thực tế không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách Trung ương, không làm tăng nợ công hay nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô.

Về hành chính không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ Trung ương đến địa phương mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các biện pháp quản lý trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử mà cả hệ thống chúng ta đang triển khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan tin tưởng, với những cơ chế đặc thù như dự thảo Nghị quyết thì chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương nêu trên mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc. “Đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù cho một số địa phương

    05:00, 27/10/2021

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai

    18:55, 23/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

    20:55, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ

    22:20, 21/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"

    15:42, 21/10/2021

  • Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành kiến nghị tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh

    16:34, 20/10/2021

NGUYỄN VIỆT