Họa sĩ có đủ tiêu chuẩn được tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Họa sĩ cũng là người sáng tác, tác phẩm của họa sĩ có giá trị và đủ các tiêu chuẩn cũng sẽ được xem xét để tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ngày 28/10.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, họa sĩ cũng là người sáng tác, tác phẩm của họa sĩ có giá trị và đủ các tiêu chuẩn cũng sẽ được xem xét để tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng lại không quy định nhạc sĩ là đối tượng xét tặng các danh hiệu này là chưa bảo đảm sự thống nhất trong dự thảo luật.
Đối với phát thanh viên làm việc ở ở các đài phát thanh, truyền hình, trên thực tế họ đảm nhận cả việc biên tập tin tức như một nhà báo và thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy việc này không ảnh hưởng đến việc xem xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
“Không nên vì phát thanh viên đảm nhiệm cả việc biên tập tin tức như một nhà báo mà lược bỏ quy định đối tượng xét tặng các danh hiệu này đối với phát thanh viên”, Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu quan điểm và đề nghị cần xem xét, luận giải kỹ hơn.
Tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Danh Tú, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giữ lại các đối tượng là phát thanh viên, nhạc sĩ. Đại biểu cho rằng lĩnh vực thi đua, khen thưởng chặt chẽ về thủ tục, về điều kiện nhưng đối tượng cần mở rộng.
Nêu ý kiến về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) đối với nhạc sĩ, phát thanh viên, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhất trí việc không đưa phát thanh viên vào diện được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, tuy nhiên đề nghị giữ lại đối tượng nhạc sĩ theo như Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.
Lý do được đại biểu nêu ra là nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo. “Nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện”, bà Ánh nói.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, nói nhạc sĩ không phải là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng phải khẳng định rằng họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ, biên đạo...
Do đó, nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định số lượng giải thưởng, uy tín, số năm công tác đóng góp cho ngành văn hóa, nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu trên.
Cho rằng danh hiệu trên chỉ được xét tặng và trao cho các nghệ sĩ biểu diễn mà không xét và trao cho các nghệ sĩ sáng tác là hạn chế, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) dẫn chứng ở rất nhiều trường hợp, những nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của nghệ sĩ biểu diễn và thực tế số người vừa có khả năng sáng tác, vừa có khả năng biểu diễn rất ít.
“Một số nghệ sĩ vừa qua được tặng danh hiệu NSND, NSƯT cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn khi các bậc thầy của mình như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản “Dạ cổ hoài lang” - tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương hay soạn giả Yên Lang, Trần Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển...với những tác phẩm sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu này. Trong khi đó, những tác phẩm do họ soạn ra được các học trò biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương, là điều kiện quan trọng, làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, bà Thu Đông nói và đề nghị bổ sung, xét tặng danh hiệu trên cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định.
Góp ý cụ thể vào dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh, Dự thảo luật có 8 chương và 98 điều nhưng chưa đảm bảo tính cân đối, có chương 46 Điều (Chương III), có chương 6 Điều (Chương VI), có chương chỉ có 2 Điều (Chương V, VII) nên đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự cân đối giữa các chương và ở mỗi chương.
Đồng thời cần xem xét lại những nội dung đã được thực hiện ổn định thì nên đưa vào quy định cụ thể trong luật nhằm hạn chế tối đa văn bản hướng dẫn thi hành; giải thích cụ thể tên “cơ quan, tổ chức” trong một số điều để đảm bảo tính minh bạch của luật; điều chỉnh nội dung nội dung Điều 11 dự thảo luật để quy định cụ thể thầm quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng và giám sát thực hiện pháp luật thi đua khen thưởng cho phù hợp.
Quy định các danh hiệu thi đua khác và về hình thức Bằng khen, Giấy khen khác chưa phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan được phân cấp hoặc ủy quyền, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ quy định trên của dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng đề nghị xem xét, bổ sung tiêu chuẩn “tập thể, lĩnh vực mà cá nhân là thành viên được tặng khen thưởng huân chương phải là tập thể đoàn kết, phát triển, tiêu biểu có góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước” vào nội dung về tiêu chuẩn khen thưởng huân chương (Từ Điều 33 đến Điều 41).
Bổ sung quy định quyền của tập thể, cá nhân tại Điều 85 “Trong trường hợp hiện vật đã khen thưởng cho tập thể và cá nhân bị thất lạc vì lý do khách quan hoặc hư hỏng được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khen thưởng xác nhận đã được khen thưởng và cấp sao Quyết định khen thưởng” để đảm bảo quyền của tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Có thể bạn quan tâm
Thi đua khen thưởng: Hướng về người lao động trực tiếp!
15:20, 28/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
05:00, 28/10/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai
18:55, 23/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội
20:55, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ
22:20, 21/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"
15:42, 21/10/2021
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành kiến nghị tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh
16:34, 20/10/2021