Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội: Còn nhiều băn khoăn
Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.
Mục tiêu của đề án được cho là để giảm xe ôtô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Bình luận về đề án này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương thu phí ôtô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, để triển khai chính quyền thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt “bài toán khó”.
Trước hết, để giảm được xe cá nhân thì thành phố phải có một tỷ lệ lớn phương tiện công cộng, giải quyết trên 50% nhu cầu đi lại của người dân.
“Hiện nay, phương tiện công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại, do vậy việc thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ”, ông Quyền nói.
Ông Quyền đồng tình với đề xuất xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3 trở vào trung tâm, song không nên thu phí với xe chở hàng hóa, vận tải khách vì các phương tiện này đã không được vào nội đô giờ cao điểm, nếu phải trả phí lưu thông vào giờ thấp điểm thì sẽ “lạm thu”.
Trong khi đó TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông nhận định đề án thu phí xe vào nội đô thiếu tính khả thi.
Lý giải nguyên nhân của nhận định này, ông Bình nêu quan điểm lâu nay dân số chủ yếu trong nội đô và phương tiện đi lại bên trong khu vực trung tâm đã đủ gây ùn tắc. Tới đây, nếu Hà Nội chỉ thu phí ở vành đai 3, người dân từ ngoài vào trong vành đai không nhiều thì mất phí, còn người dân ở trong không mất phí, vậy đề án này có hiệu quả và công bằng hay không?
TS Phan Lê Bình cho rằng để thu phí phương tiện đi vào nội đô, Hà Nội phải kiểm soát được các ngõ ngách trong vành đai 3. Khi thu phí, sẽ có nhiều phương tiện đổ về những vị trí không đặt được thiết bị thu, tạo ra sự dịch chuyển dòng giao thông, gây ùn tắc cục bộ tại các vị trí này. "Nếu thí điểm đặt trạm thu phí trên 9 tuyến đường trục thì lái xe sẽ né, tràn ra các đường nhỏ. Do đó, thành phố nên đặt thiết bị thu ở tất cả tuyến đường vào trung tâm", ông Bình nói.
Ngoài ra, TS Phan Lê Bình cho rằng người đi ôtô cá nhân thường có thu nhập cao nên nếu mức phí thấp họ vẫn chấp nhận trả phí, mục đích giảm xe cá nhân không đạt được.
“Mức thu thế nào để thay đổi hành vi của người dân cũng là bài toán khó. Tôi cho rằng chỉ một vài phần trăm người dân chấp nhận chuyển đổi phương tiện nếu có thu phí vào nội đô. Chúng ta không nên kỳ vọng cao về giải pháp này có thể giảm được xe cá nhân”, ông Bình nói.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lưu ý vấn đề công nghệ thu phí. Đơn cử Singapore đã áp dụng thu phí vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm từ khá lâu, được người dân chấp hành nghiêm. Xe gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm thì sẽ bị tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Thậm chí, lái xe có thể lựa chọn đi trên làn đường có giá tiền khác nhau.
“Những năm tới, Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ôtô cá nhân”, ông Liên góp ý.
Theo cơ quan tư vấn xây dựng đề án, giải pháp thu phí xe cá nhân vào nội đô nhằm mục đích hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Giải pháp này được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, nhưng với nước ta vẫn là một vấn đề mới.
Phương án thu phí xe vào nội đô dự kiến theo 3 giai đoạn. Theo đó từ năm 2021 - 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí.
Từ năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.