Cần đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm

NGUYỄN VIỆT 29/10/2021 14:20

Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 29/10.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 16, dự thảo Luật có quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre).

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre).

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quy định này không thực sự khả thi bởi việc giải thích cho doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng và tính xác nhận được hiểu như thế nào cũng chưa được làm rõ như bản ghi âm, ghi hình hay văn bản xác nhận có chữ ký các bên? 

Vì quy định như dự thảo cũng sẽ gây khó khăn cho tòa án và các bên khi phải xác định thế nào là bằng chứng cho bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp giải thích? “Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào Khoản 1 Điều 14 về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tại Điều 20, 34, 54 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang).

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang).

Nhưng tại Khoản 2 Điều 34 về đóng quỹ bảo hiểm nhân thọ có quy định trường hợp phí đóng bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một lần hoặc một số kỳ bảo hiểm nhưng không đóng được các khoản phí tiếp theo sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và bên mua không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng nếu thời gian đóng phí bảo hiểm dưới thời hạn.

Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế cũng có trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, cặn kẽ.

Do đó, theo Trần Văn Tuấn, ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật thì cần bổ sung nội dung: “Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”.

Chúng ta phải xác định đây là điều bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm để tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

Tránh việc doanh nghiệp cung cấp thông tin mập mờ làm cho người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng lúc bị chấm dứt hợp đồng thì không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng hoặc khoản phí hoàn trả không như mong muốn.

Về nội dung bảo mật thông tin cho người tham gia bảo hiểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, Khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng cần bổ sung chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm cả cá nhân cho phù hợp và thống nhất với Khoản 7 Điều 4 về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm tại Điều 6, nhiều người cũng lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân đối với cả người mua bảo hiểm và người hưởng bảo hiểm.

Khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 6 về cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội).

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội).

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, để người mua bảo hiểm xác định thông tin này, hoàn toàn có thể được bên kinh doanh bảo hiểm cung cấp cho các chủ thể cơ quan nhà nước theo yêu cầu.

Do đó, cần bổ sung vào hợp đồng bảo hiểm để làm rõ người mua bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm đều được biết ngoài những phạm vi cá nhân thông tin mà chỉ khi được sự đồng ý của người mua, người được bảo hiểm thì mới được cung cấp để tránh những tranh chấp không đáng có sau này khi những thông tin cần bảo mật cá nhân mà bên kinh doanh bảo hiểm báo cáo cho cơ quan nhà nước theo quy định mà người tham gia bảo hiểm không được biết hoặc có ý kiến tranh chấp.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Tài chính mới chỉ nêu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quản lý thông tin khách hàng. Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai như vậy là chưa đầy đủ.

Bởi việc tiếp cận thông tin cá nhân không chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm mà các chủ thể cơ quan nhà nước khi có yêu cầu và được quyền đề nghị doanh nghiệp cung cấp thì cũng được tiếp cận các cơ sở dữ liệu này.

“Nếu chỉ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm thì chưa đủ. Do vậy, cần bổ sung các cơ quan, cá nhân được tiếp cận thông tin từ cơ sở dữ liệu đều phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải bị xử lý khi để lộ thông tin”, đại biểu Mai đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

    04:29, 29/10/2021

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai

    18:55, 23/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ

    22:20, 21/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"

    15:42, 21/10/2021

NGUYỄN VIỆT