“Chỉ 23% doanh nghiệp biết tương đối về FTA”
Đây là thông tin được đưa tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Những điều doanh nghiệp cần biết
Trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ Cải cách Kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, sáng nay (5/11/2021), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Những điều doanh nghiệp cần biết”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, khi mà đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những hệ quả nghiêm trọng tới hầu như mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam có công bố GDP đến nay.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của hầu như tất cả các ngành nghề kinh tế, từ các lĩnh vực dịch vụ, đến sản xuất công nghiệp, và nông lâm thủy sản.
Theo ông Phòng, trong bức tranh u ám đó, chúng ta vẫn thấy nổi lên điểm sáng.
“Đó chính là thương mại của Việt Nam vẫn tăng trưởng bất chấp những khó khăn do dịch bệnh toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%. Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng của xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh đại dịch khó khăn chính là các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Trong đó, phải kể đến những FTA thế hệ mới như CPTPP có hiệu lực năm 2019, EVFTA có hiệu lực năm 2020, UKVFTA có hiệu lực năm 2021”, ông Phòng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phòng từ một năm trở lại đây, Viêt Nam lại tiếp tục có hy vọng với một FTA thế hệ mới, FTA có quy mô lớn nhất toàn cầu, với các đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu thế giới…
Được biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA thứ 15 của Việt Nam. Với 15 thành viên, gồm ASEAN – khu vực kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng bậc nhất thế giới, và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand - những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, RCEP là FTA bao trùm khu vực kinh tế chiếm tới 30% GDP toàn cầu và một thị trường chừng 30% dân số thế giới. RCEP vì thế hứa hẹn mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp của chúng ta những cơ hội to lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khó khăn này, việc Hiệp định RCEP được ký kết và hy vọng sẽ đi vào thực thi ngay trong năm tới đây càng có ý nghĩa trong việc tạo động lực giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, RCEP trở thành một FTA bao trùm, thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên, qua thiết lập một khu vực thương mại tự do đầy tiềm năng. Tương ứng với mục tiêu tham vọng này là một Văn kiện RCEP đồ sộ và phức tạp, với những đặc thù riêng so với các FTA mà Việt Nam đã có.
Vì thế, việc hiểu được các nội dung cam kết của Việt Nam và từng nước đối tác trong RCEP là không đơn giản đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, hiểu về cam kết, nhận diện được các ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực từ các cam kết lại là bước đầu tiên không thể thiếu để các doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội từ Hiệp định cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức, nếu có. Kinh nghiệm của chúng ta từ quá trình hội nhập WTO và 14 FTA trước đó đã cho thấy mức độ tận dụng các FTA phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hiểu biết cam kết của mỗi doanh nghiệp.
Theo Cẩm nang tóm lược Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực RCEP DO VCCI phát hành, RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Thứ nhất, RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Thứ hai, RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Thứ ba, được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch
Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là các FTA ASEAN+), RCEP là một FTA bao trùm gồm 20 Chương và 04 Phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ …). Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này. Thực tế thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA.
"Theo một khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp”, các chuyên gia thuộc VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản vượt khó nhờ FTA thế hệ mới
04:45, 23/08/2021
FTA thế hệ mới - "cửa sáng" vượt COVID
11:00, 16/08/2021
COVID-19 tác động như thế nào tới việc thực hiện các FTA thế hệ mới?
04:00, 31/05/2021
Việt Nam và các FTA thế hệ mới: Đường cao tốc đã mở!
05:30, 12/02/2021