“Vướng” đấu thầu bảo trì đường thủy

KHÔI NGUYÊN 06/11/2021 03:30

Theo các nhà thầu, quy trình bố trí vốn, duyệt dự toán rồi mới tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy với thời hạn 1 năm/lần như hiện nay đang gây khó khăn, áp lực cho công tác tổ chức đấu thầu…

Theo đó, năm 2021, lần đầu dịch vụ quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia chuyển hẳn sang phương thức đấu thầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập và nguy cơ hiện hữu là phải quay trở lại phương thức đặt hàng đan xen đấu thầu.

 Trục vớt phao đường thủy để sơn sửa, bảo dưỡng định kỳ

Trục vớt phao đường thủy để sơn sửa, bảo dưỡng định kỳ

Bỏ phương thức đặt hàng

Theo đó, hiện nay, các doanh nghiệp trúng thầu quản lý, bảo trì đường thủy đang triển khai công việc quản lý, bảo trì thường xuyên (kiểm tra tuyến, dịch chuyển báo hiệu, tín hiệu; bảo dưỡng phao, báo hiệu, quan trắc mực nước, theo dõi vận tải, trực đảm bảo giao thông, phòng chống thiên tai…) theo đúng hợp đồng với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng để tham gia đấu thầu các gói thầu bảo trì cho năm 2022.

“Năm 2021, các gói thầu có thời gian trọn vẹn 12 tháng chứ không như từ năm 2016 - 2020 chỉ đấu thầu với thời gian 8 - 9 tháng cuối năm, còn 3 - 4 tháng đầu theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nếu thực hiện đan xen đặt hàng, đấu thầu rất mệt mỏi, doanh nghiệp vừa làm theo đặt hàng vừa lo hồ sơ để đấu thầu”, ông Phạm Văn Phả, Trưởng chi hội Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa phía Bắc (Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam) chia sẻ.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hệ thống đường thủy quốc gia hiện có hơn 7.000km được khai thác vận tải, hàng năm được quản lý, bảo trì thường xuyên bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế.

Nhiều năm trước, các đơn vị quản lý, bảo trì đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước nên áp dụng theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Từ năm 2016, thực hiện Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu áp dụng thí điểm đấu thầu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Đây cũng là thời điểm toàn bộ 15 Đoạn Quản lý đường sông (đơn vị sự nghiệp) hoàn thành chuyển sang mô hình công ty cổ phần (5 đơn vị cổ phần năm 2005, 10 đơn vị cổ phần năm 2015).

“Quy định tại Thông tư số 113/2020 của Bộ Tài chính (thay thế Thông tư số 102/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông ĐTNĐ) đã giúp giải quyết được khó khăn, bất cập nêu trên. Từ năm 2021, dịch vụ quản lý, bảo trì đường thủy quốc gia được chuyển sang hình thức đấu thầu, với trọn vẹn 12 tháng”, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin.

Áp lực đấu thầu trong thời gian ngắn

Năm 2021, dù chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu, song theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu chịu rất nhiều áp lực do phải hoàn thành công tác đấu thầu trong thời gian ngắn.

“Để áp dụng được phương thức đấu thầu cho cả năm 2021, chỉ trong tháng 12/2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải chạy đua với thời gian mới có thể hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với nhà thầu trong phạm vi cả nước. Vì vậy, có thời điểm, chỉ trong vài ngày phải liên tiếp ban hành các quyết định lựa chọn nhà thầu để đáp ứng yêu cầu về thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1/2021”, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết.

Trả lời báo chí, đại diện Cục Đường thủy và một số doanh nghiệp bảo trì cùng quan điểm cho rằng, hiện vẫn còn khó khăn, bất cập giữa quy trình giao vốn, quy định đấu thầu và thực tế, gây khó khăn cho công tác đấu thầu.

Cụ thể, yêu cầu đối với hoạt động quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy phải đảm bảo duy trì liên tục ngày nối ngày, không thể ngắt quãng thời gian, bỏ trống để duy trì luồng tuyến phục vụ vận tải và bảo đảm ATGT đường thủy.

Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy (vốn ngân sách chi sự nghiệp thường xuyên) chỉ được bố trí theo từng năm và chi thanh toán cho khối lượng công việc đã thực hiện trong năm đó.

Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, cấp thẩm quyền sẽ có văn bản giao dự toán thu, chi ngân sách cho năm sau cho các đơn vị. Điều này khiến chỉ có trên dưới 30 ngày để tổ chức toàn bộ công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng.

“Theo quy định, chỉ được tổ chức đấu thầu khi đã xác định được nguồn vốn (văn bản giao dự toán thu, chi ngân sách). Thực tế năm trước, ngày 3/12/2020, Bộ Tài chính có quyết định giao dự toán, thu ngân sách năm 2021. Trong khi đó, để áp dụng cơ chế đấu thầu cả 12 tháng của năm, phải lựa chọn xong nhà thầu và ký hợp đồng trước ngày 31/12/2020 để nhà thầu triển khai công việc từ ngày 1/1/2021. Vì vậy, chỉ có gần 30 ngày để hoàn thành toàn bộ công việc liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo trì đường thủy cho năm sau”, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phân tích.

Cũng theo đơn vị này, nếu không kịp chạy đua hoàn thành công tác đấu thầu trong thời gian khoảng 30 ngày, sẽ tiếp tục lặp lại cơ chế đặt hàng đan xen đấu thấu như trước.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

    19:23, 02/11/2021

  • Kiến nghị mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy

    Kiến nghị mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy

    19:30, 16/08/2021

  • PPP đường thuỷ nội địa: Nguy cơ phát triển ngược

    PPP đường thuỷ nội địa: Nguy cơ phát triển ngược

    11:00, 09/08/2021

  • Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

    Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

    03:30, 05/07/2021

KHÔI NGUYÊN