Phục hồi kinh tế: Chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ
Để hồi phục kinh tế, các chuyên gia góp ý, Chính phủ cần linh hoạt tích hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 68.000 tỷ đồng, giảm 34,1% về số doanh nghiệp và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 57%; số vốn đăng ký tăng 54,9%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cộng gộp 8 tháng đầu năm, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,11 triệu tỷ đồng, giảm 8% về số doanh nghiệp và giảm 7,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5%.
Trong khi đó, trong tháng 8/2021, cả nước còn có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Cộng gộp 8 tháng đầu năm, cả nước có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm lên 114.000 doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong 8 tháng qua, khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mỗi tháng, cả nước có khoảng 10.680 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, bao gồm 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.
Các chuyên gia góp ý giải pháp trọng tâm để hồi phục kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 là khẩn cấp giải cứu doanh nghiệp và khơi dậy các tiềm năng cạnh tranh trong tương lai.
Trong nhóm giải pháp cấp bách để doanh nghiệp hồi phục hoạt động, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách vĩ mô quan trọng nhằm tạo nguồn bổ sung cho ngân sách nhà nước vốn đang eo hẹp.
Chỉ rõ Việt Nam từ vị trí “ngôi sao” khi thế giới bị suy thoái nặng nề năm 2020 đã nhanh chóng tụt xuống mức dưới trung bình của thế giới trong năm 2021, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng cần chính sách điều chỉnh tổng thể với nền kinh tế.
Ông Lộc phân tích: Dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều và không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực hạ lãi suất, đẩy mạnh cho vay của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn bởi những năm qua, nợ công và bội chi được kéo giảm đáng kể, các cân đối vĩ mô ổn định.
“Có thể áp dụng chính sách tài khóa “ngược chu kỳ” vào lúc này. Đó là khi kinh tế tăng trưởng thuận lợi thì giảm bội chi và nợ công, tăng dự trữ. Ngược lại, kinh tế khó khăn thì đẩy các chỉ số này lên để có nguồn lực. Chính phủ cần linh hoạt tích hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, có thể thông qua chính sách thuế, đầu tư công để tạo nguồn phục vụ điều chỉnh lãi suất, lưu thông tiền tệ...” - TS Vũ Tiến Lộc nêu giải pháp.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần nghiên cứu chiến lược phối hợp giữa tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội với kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp giảm nhanh, có thể tập trung vào giảm giá điện, thuế môi trường xăng dầu... Đặc biệt, cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn bởi lạm phát thấp gần đây chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí xăng dầu, vận chuyển... tăng cao đang là mối đe dọa với CPI.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ngoài tập trung vào nguồn lực từ tăng chi và vay nợ thì có thể sử dụng một phần dự trữ ngoại hối và tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp... Quan trọng hơn, cần sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội để cải thiện các nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình này.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn lực nào cho chương trình phục hồi kinh tế?
20:29, 06/11/2021
Tăng điều tiết ngân sách để địa phương phục hồi kinh tế
15:56, 08/11/2021
Nhịp độ phục hồi kinh tế Việt Nam
11:00, 05/11/2021